Có hiện tượng phớt lờ công cụ giám sát, gian dối trong thi sát hạch lái xe

Kết quả thanh tra tại 40/63 Sở GTVT về công tác đào tạo, sát hạch lái xe cho thấy một số địa phương còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phần mềm hệ thống thông tin DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành của học viên) có chức năng tiếp nhận dữ liệu từ các cơ sở đào tạo lái xe, đồng thời cung cấp công cụ để các Sở GTVT quản lý từ ngày 15/6/2022.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra từ các Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT và báo cáo của một số Sở GTVT, còn tồn tại một số nội dung trong công tác theo dõi, kiểm tra, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị DAT.

Thi cấp chứng chỉ thực hiện còn hình thức

Kết quả thanh tra tại 40/63 Sở GTVT về công tác đào tạo, sát hạch lái xe cho thấy một số địa phương còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm này.

Theo đó, một số địa phương chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế. Do đó, chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với cơ sở đào tạo không thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo.

Ngoài ra, có địa phương còn để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày. Thậm chí, có những địa phương tổ chức thi kết thúc khóa học cho học viên khi chưa đủ điều kiện, chưa phát hiện, xử lý đối với các phiên học có dấu hiệu bất thường về dữ liệu DAT của cơ sở đào tạo.

Trong khi đó, theo quy định phải có báo cáo kết quả thực hành lái xe trên đường qua thiết bị DAT với điều kiện học viên phải đủ số km thực hành lái xe trên đường, có thời gian học thực hành lái xe ban đêm...

Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Viết Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Ảnh: VKSND tỉnh Hòa Bình

Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Viết Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Ảnh: VKSND tỉnh Hòa Bình

Phát hiện gian dối, chuyển cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý

Ngoài ra, theo báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT, còn có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.

Tại các Sở GTVT Đắk Lắk, Lai Châu, Lào Cai xảy ra tình trạng sát hạch viên hỗ trợ thí sinh trong một số thời điểm ở một số kỳ sát hạch lý thuyết hạng A1. Sở GTVT Bình Định cho nhiều thí sinh sát hạch lại thực hành lái xe ô tô trong một số kỳ sát hạch.

Đáng lưu ý, thông qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT đã chuyển thông tin 2 cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Trao đổi với VietNamNet về trách nhiệm để xảy ra sai phạm vừa qua, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được phân cấp cho địa phương.

Tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP đã quy định rất rõ từ điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động.

Trong đó, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch chịu trách nhiệm duy trì điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo lái xe đảm bảo thời gian, chương trình và nội dung theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và của Bộ GTVT.

Các Sở GTVT trực tiếp quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trong việc chấp hành các quy định.

Theo ông Thống, xảy ra một số tồn tại, vi phạm đã được các đoàn kiểm tra của Bộ, Cục phát hiện, chuyển cơ quan điều tra thì trách nhiệm đầu tiên là của đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe.

“Quy định đã rõ ràng, đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe phải thực hiện đúng, còn chưa thực hiện thì đó là vi phạm của các đơn vị”, lời ông Thống.

Ngoài ra, có phần trách nhiệm lớn của Sở GTVT các địa phương. Đối với Cục hay Bộ GTVT là cơ quan xây dựng thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, nên cũng có một phần trách nhiệm.

Với vai trò là 1 trong 3 đoàn thanh tra được Bộ giao kiểm tra tại 31 tỉnh, thành phố, ngay sau khi phát hiện một số tồn tại, vi phạm, ông Thống cho biết, Cục đã đề nghị Bộ xem xét, chuyển cơ quan chức năng xử lý.

Ngoài ra, Cục cũng đã kiến nghị Sở GTVT tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm của một số cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp, phát hiện các hành vi gian dối trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì chuyển cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý.

Đối với thực trạng không khai thác phần mềm hệ thống thông tin DAT, Cục Đường bộ cũng yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các trung tâm đào tạo lái xe ô tô theo dõi, giám sát phần mềm, từ đó phát hiện các phiên học không hợp lệ để có hướng xử lý kịp thời.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-hien-tuong-phot-lo-cong-cu-giam-sat-gian-doi-trong-thi-sat-hach-lai-xe-2132712.html