Cơ hội bảo đảm tương lai tài chính của châu Âu
Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch tham vọng mang tên Liên minh Tiết kiệm và Đầu tư (SIU) - một sáng kiến quan trọng nhằm cải thiện cách hệ thống tài chính EU chuyển hướng tiết kiệm sang đầu tư hiệu quả. Thông qua kế hoạch này, EU kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục tình trạng trì trệ và giảm phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài.

Chiến lược Liên minh Tiết kiệm và Đầu tư
Chuyển hướng tiết kiệm sang đầu tư
SIU là sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm mục đích kết nối tiết kiệm với đầu tư hiệu quả, tăng cường cơ hội tài chính cho công dân và doanh nghiệp EU, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị hiện tại, SIU được xem là bước đi then chốt hướng tới việc tạo ra một hệ thống tài chính tích hợp và hiệu quả hơn trong EU, với trọng tâm là chuyển hướng các khoản tiền hiện đang được nắm giữ dưới dạng tiền gửi ngân hàng vào các sản phẩm thị trường vốn, đồng thời thúc đẩy tiến trình về tài chính bền vững.
SIU được xem là một bước tiến quan trọng hướng tới việc tạo ra một hệ thống tài chính tích hợp và hiệu quả hơn trong EU, đặt mục tiêu giảm sự phân mảnh dai dẳng trên thị trường tài chính EU; cải thiện hoạt động trung gian tài chính và tăng cường sự tham gia của nhà bán lẻ vào thị trường vốn. Sáng kiến này nhằm mục đích mở ra tiềm năng chưa được khai thác đáng kể cho tăng trưởng, việc làm và tạo ra của cải. Việc tập trung vào tài chính bền vững và khả năng phục hồi địa chính trị càng nhấn mạnh thêm cam kết của EU trong việc duy trì sức mạnh kinh tế và quyền tự chủ chiến lược trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với một thách thức kép là tăng trưởng kinh tế trì trệ và hệ thống tài chính kém hiệu quả. Trong khi Mỹ có một thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn qua cổ phiếu và trái phiếu, thì EU vẫn phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khoảng 75% vốn vay doanh nghiệp tại EU đến từ ngân hàng, trong khi ở Mỹ, con số này chỉ là 25%. Sự mất cân bằng này khiến khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp EU gặp nhiều hạn chế, làm chậm tốc độ tăng trưởng cũng như đổi mới.
Trong khi đó, báo cáo do Mario Draghi lập cho EC nêu rõ, để giải quyết các thách thức như quá trình chuyển đổi sinh thái, số hóa và động lực địa chính trị mới, EU sẽ cần huy động thêm 800 tỷ euro mỗi năm cho đến năm 2030. Phần lớn các nhu cầu đầu tư bổ sung này liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các công ty sáng tạo, những đối tượng không thể chỉ dựa vào nguồn tài chính của ngân hàng. Trong bối cảnh này, SIU được hình dung như một công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn chảy vào các doanh nghiệp sáng tạo và các SME, những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng hạn chế hơn.
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng nội khối, SIU cũng giúp EU giảm phụ thuộc vào dòng vốn từ Mỹ và Trung Quốc; đồng thời củng cố vị thế của đồng euro trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Bốn trụ cột hành động
SIU được xây dựng xung quanh bốn trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên, tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận các lựa chọn đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn so với tiết kiệm. Hiện tại, tiền tiết kiệm tập trung vào tiền gửi ngân hàng, đây là một công cụ an toàn và dễ tiếp cận, nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận dài hạn có hạn. Do đó, EC đề xuất xây dựng các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào thị trường vốn cho những ai muốn làm như vậy.
Bằng cách thúc đẩy dòng vốn chảy tự do hơn giữa 27 quốc gia thành viên, SIU không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, mà còn tạo động lực cho các sáng kiến xanh và quá trình chuyển đổi số. Theo phân tích của ECB, nếu các hộ gia đình EU điều chỉnh tỷ lệ tiền gửi trên tài sản tài chính của họ theo tỷ lệ của các hộ gia đình Mỹ, thì một lượng cổ phiếu lên tới 8 nghìn tỷ euro có thể được chuyển hướng sang các khoản đầu tư dựa trên thị trường - hoặc dòng tiền khoảng 350 tỷ euro hàng năm.
Trụ cột thứ hai, tập trung vào đầu tư và tài chính, nhằm tạo ra nhiều cơ hội tài chính hơn và rộng hơn cho mọi người và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bền vững. Để đạt được điều này, EC sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như đổi mới sáng tạo, phi carbon hóa... Thành viên Nghị viện châu Âu, ông Philippe Lamberts nhận định: “Khi tiết kiệm không còn “nằm yên” mà chảy vào công nghệ, năng lượng tái tạo và hạ tầng, nền kinh tế châu Âu có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số và kinh tế xanh”.
Các chuyên gia nhận định, SIU có thể sẽ tạo cú hích phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu khi dòng vốn chảy vào AI, năng lượng sạch và quốc phòng. Tác động của nó không chỉ giới hạn trong EU mà còn lan rộng đến nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các đối tác thương mại và quốc gia đang phát triển.
Trụ cột thứ ba của SIU bao gồm các biện pháp nhằm giảm sự phân mảnh của thị trường tài chính trong EU. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu tin rằng sự tồn tại của các trở ngại về mặt quản lý và giám sát ở các quốc gia thành viên khác nhau cản trở sự mở rộng của các doanh nghiệp trên toàn bộ thị trường gồm 27 thành viên. Do đó, đề xuất kêu gọi xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động xuyên biên giới của cơ sở hạ tầng thị trường và quản lý tài sản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập của khu vực tài chính ở cấp độ châu Âu.
Trụ cột thứ tư là tập trung vào giám sát. Ủy ban châu Âu đề xuất tăng cường sự hài hòa của các quy tắc thị trường tài chính để các doanh nghiệp và thực thể hoạt động ở các quốc gia khác nhau được đối xử bình đẳng. Để đạt được mục đích này, cần cải thiện các công cụ hội tụ giám sát và đánh giá khả năng phân bổ lại trách nhiệm giữa các cơ quan quốc gia và các tổ chức châu Âu.
Rủi ro tiềm ẩn
Tuy nhiên, SIU cũng tiềm ẩn rủi ro. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dòng vốn có thể chệch hướng vào đầu cơ thay vì sản xuất, dẫn đến bong bóng tài sản như khủng hoảng tài chính 2008. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng phải đối mặt với thách thức, khi việc rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào các quỹ rủi ro cao có thể khiến nhiều người mất trắng khi thị trường biến động, làm lung lay niềm tin vào hệ thống tài chính EU. Do đó, EU cần có những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả để tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Nếu được triển khai đúng cách, SIU có thể giúp EU tăng trưởng và giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, nếu thiếu giám sát chặt chẽ, nó có thể gây mất ổn định tài chính và thất bại trong việc tái định hình hệ thống tài chính EU. SIU có thành công hay không, sẽ phụ thuộc vào cách EU kiểm soát và triển khai kế hoạch này trong những năm tới.
Để hiện thực hóa sáng kiến này, EC sẽ thúc đẩy một cuộc tham vấn, kêu gọi ý kiến từ các bên liên quan nhằm định hình các chính sách phù hợp; đặt mục tiêu tạo ra một hệ thống tài chính không chỉ mạnh mẽ mà còn linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. Việc triển khai SIU sẽ dựa trên cả các biện pháp lập pháp và phi lập pháp, cũng như các biện pháp do chính các quốc gia thành viên EU xây dựng. EC sẽ công bố đánh giá giữa kỳ về tiến độ chung trong việc đạt được SIU vào quý 2 năm 2027.
Nhìn chung, chiến lược SIU có tiềm năng tăng cường các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới và giảm sự phân mảnh đối với việc cung cấp một số dịch vụ tài chính trên khắp EU. Sự thành công của sáng kiến còn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các tổ chức châu Âu, các quốc gia thành viên và khu vực tư nhân, với mục tiêu đạt được một hệ thống tài chính tích hợp và hiệu quả hơn.