Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên mới

Năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dấu mốc khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long - đồng bằng châu thổ phía Nam đất nước đã có nhiều bước tiến, đang đứng trước cơ hội bứt phá trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, có giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực ở những ngành, nghề vùng có thế mạnh là một trong những vấn đề được các nhà quản lý và chuyên gia quan tâm.

Công nhân Chi nhánh Cần Thơ của Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (BITI'S). Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Công nhân Chi nhánh Cần Thơ của Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (BITI'S). Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Tài nguyên con người - nhân tố quyết định cho phát triển

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Cùng với tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, khoa học kỹ thuật và công nghệ, “nguồn vốn con người” được coi là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Theo Tiến sĩ Đào Duy Tùng (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự, công tác giáo dục và đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều bước tiến đáng kể trong những năm qua. Hiện nay, mạng lưới cơ sở đào tạo phát triển khá toàn diện với gần 9.400 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông. Ngoài ra, nếu như trước thời điểm năm 2000, Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có một trường đại học thì đến nay toàn vùng đã có 17 trường đại học, một số phân hiệu trường đại học, nhiều trường cao đẳng uy tín.

Tuy nhiên trong thời đại kinh tế tri thức, tài nguyên con người là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của đất nước chứ không phải tài nguyên thiên nhiên, do đó công tác giáo dục - đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực càng phải coi trọng. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt nhiều thành tựu trong giáo dục - đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục lan tỏa tương đối rộng khắp song vẫn còn tình trạng chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Nguồn nhân lực đã qua đào tạo và có chất lượng cao vẫn thiếu. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao đòi hỏi nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng “mềm” tốt và khả năng thích ứng nhanh thay đổi của thị trường lao động là vấn đề đang được đặt ra cho lao động của vùng.

Cùng nhận định, mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long được nâng lên đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thách thức, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự nêu dẫn chứng, số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng rõ rệt nhưng vẫn còn thấp so với cả nước. Chỉ tính trong 10 năm (2012 - 2022), tỷ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên ở vùng tăng từ 3,4% lên khoảng 6,7%, song vẫn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước là khoảng trên 11,9 %.

Lấy ví dụ nhân lực ở lĩnh vực du lịch sinh thái - nông nghiệp là một trong các thế mạnh của vùng, Thạc sĩ Phan Đình Huê (Công ty Du lịch Vòng tròn Việt) nhận định, nguồn nhân lực cho du lịch sinh thái - nông nghiệp ở đồng bằng chủ yếu là nông dân, chưa có nhiều kỹ năng làm dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch cao cấp. Do đó, dù là một trong những vùng làm du lịch nông nghiệp sớm của nước ta, song khả năng thu hút khách dài ngày với du lịch nông nghiệp - sinh thái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn. Các cơ sở đào tạo ở vùng cũng chưa có cơ sở thực hành về du lịch nông nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng là nguồn nhân lực dồi dào nhưng vẫn thiếu nhiều nhân sự có chuyên môn sâu về lĩnh vực du lịch sinh thái - nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Đồng bằng sông Cửu Long cùng cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của cân tộc. Các mục tiêu phát triển chỉ có thể được hiện thực hóa khi nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ gắn với chuyển đổi số.

Tiến sĩ Lâm Thị Kho, Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, phát triển nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long không nằm ngoài mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của cả nước; vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng. Trong đó, cần nâng cấp các cơ sở giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực. Việc tăng cường các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề… ở vùng như hiện nay cũng là một chủ trương đúng để học sinh, sinh viên ở các vùng nông thôn không phải di chuyển lên các thành phố lớn để theo học, giúp giảm chi phí cho gia đình và tạo thuận lợi, khuyến khích các gia đình cho con em đi học ở những cấp học cao hơn. Vùng cần đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học tiến tới liên kết vùng trong thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, đẩy mạnh công tác định hướng phát triển nghề nghiệp và phân luồng lao động phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.

Liên quan giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Bình (Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự phân tích, chiến lược phát triển của vùng cho thấy xu hướng là chuyển đổi nền kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và xây dựng. Cùng với đó, lao động và việc làm chuyển dịch không chỉ theo cơ cấu của nền kinh tế mà còn theo hướng hiện đại, thông minh, chất lượng cao trong thời đại số. Tuy nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp. Ở đây, điều kiện sinh thái của đồng bằng cũng có nhiều nhiều biến đổi do tác động biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 như Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra (ở khía cạnh nguồn nhân lực phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75 - 80%), vùng cần đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, quan tâm đến các ngành nghề mang tính đặc trưng địa phương, bản sắc văn hóa miền sông nước, các ngành nghề thị trường đang và sẽ cần trong thời đại mới.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân và Thạc sĩ Hồ Thị Hà (Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thế mạnh phát triển vùng, các địa phương cần chú trọng tập trung đầu tư phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ như: Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu giống thủy sản… Các đơn vị này đóng vai trò nòng cốt triển khai các hoạt động khoa học công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; qua đó, góp phần tăng hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương, đồng thời thu hút nguồn nhân lực cho vùng.

Từ thực tế công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, theo lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên gia nghiên cứu. Đến nay, trường đã có trên 200 giáo sư, phó giáo sư, không chỉ góp phần nâng tầm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường mà còn củng cố vai trò nòng cốt trong phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ngay trong năm 2025, bên cạnh các ngành đang đào tạo, trường mở rộng cơ hội học tập, tuyển sinh nhiều ngành mới, phù hợp với xu hướng phát triển, đặc biệt là nhu cầu nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các ngành: Trí tuệ nhân tạo (AI), Thương mại điện tử, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Tâm lý học giáo dục, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Mạng máy tính và truyền thông (chất lượng cao), Thú y (chất lượng cao), Luật Dân sự và Tố tụng dân sự. Việc tiếp tục mở rộng ngành đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo khẳng định vị thế của một trong những đơn vị đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thanh Trà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-ky-nguyen-moi-20250403092711338.htm