Cơ hội bứt phá từ kinh tế số
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội tốt nhất để Thanh Hóa bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, việc chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tại Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Chuyển biến rõ rệt
Với quyết tâm thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; đổi mới phương thức làm việc; chuyển đổi quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều thay đổi, hiện đại hóa nền hành chính từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Việc trao đổi, xử lý văn bản, hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp đã thực hiện trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh (LGSP); thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp (DN)... Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và DN.
Đến nay, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống LGSP là gần 3 triệu; tỉ lệ ký số cơ quan ở Thanh Hóa đạt 98,5%. Hệ thống phần mềm phản hồi mà tỉnh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân được xử lý đúng hạn với tỉ lệ trên 93%.
Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT), Phó Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa - cho biết địa phương rất quan tâm công tác chuyển đổi số, nhất là lĩnh vực kinh tế số. Lĩnh vực này bước đầu đã có những đóng góp rõ rệt vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Quyết nhận xét: "Việc phát triển kinh tế số đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của DN và người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm - từ bó hẹp trong địa bàn huyện, tỉnh ra bên ngoài".
Theo ông Quyết, đến nay, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ đưa 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các địa phương ở Thanh Hóa lên postmart.vn và các sàn thương mại điện tử khác. Các cơ quan, đơn vị còn cung cấp trên 105.800 tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ trên 854.000 tài khoản không dùng tiền mặt để thanh toán những dịch vụ thiết yếu.
Trong lĩnh vực xã hội số, hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy hiệu quả, lan tỏa, phổ cập kiến thức chuyển đổi số tới đông đảo người dân. Ứng dụng VNeID trên thiết bị di động đã phủ sóng các địa bàn để người dân thuận tiện thực hiện các giao dịch cơ bản trên môi trường số. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, trở thành xu hướng chủ yếu khi thanh toán phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, viện phí, học phí, dịch vụ điện, nước...
Dọn chỗ đón doanh nghiệp số
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn hiện có gần 2.000 DN đăng ký hoạt động về CNTT hoặc có ngành nghề liên quan lĩnh vực này. Trong đó, 862 DN đã có doanh thu; 41 DN hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, rất ít DN có các hoạt động nghiên cứu, sản xuất phần mềm CNTT và sản phẩm nội dung số; sản phẩm được đưa ra ứng dụng rộng rãi chưa nhiều...
Theo ông Liêm, Thanh Hóa xác định kinh tế số là cơ hội tốt nhất để các địa phương bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội. "Từ đó, Thanh Hóa đề nghị Bộ TT-TT quan tâm hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư đến địa phương, tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất sản phẩm điện, điện tử, internet vạn vật... tại một số khu kinh tế, khu công nghiệp đã được đầu tư hiện đại, đa ngành, hạ tầng giao thông thuận tiện, sử dụng công nghệ cao như: Nghi Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng..." - ông mong mỏi.
Ông Liêm cũng đề nghị Bộ TT-TT hỗ trợ địa phương xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu, hạ tầng đám mây của khu vực (Digital Hub) tại Thanh Hóa và hình thành vùng động lực công nghiệp ICT, công nghệ số. Bên cạnh đó, giới thiệu các tập đoàn, DN CNTT - viễn thông đến mở chi nhánh, văn phòng hoạt động tại Thanh Hóa nhằm tạo hệ sinh thái công nghệ số, thúc đẩy phát triển DN công nghệ số tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh địa phương chào đón các DN có sản phẩm công nghệ số "make in Vietnam" xuất sắc đến triển khai thí điểm, từ đó nhân rộng ra các địa phương, nhất là sản phẩm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Thanh Hóa hoan nghênh DN đến thành lập trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ số cho khu vực miền Trung tại địa phương để cung cấp nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số cho các tỉnh, thành.
Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số
Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số trên địa bàn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở hỗ trợ, phát triển DN công nghệ số ở địa phương. Trong đó, Thanh Hóa xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 DN số; đến năm 2030 có ít nhất 150 DN số. Thanh Hóa cũng xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/co-hoi-but-pha-tu-kinh-te-so-20231026210705189.htm