Cơ hội cải thiện quan hệ đối tác

Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis (I.Ca-xít) mới đây kêu gọi tháo gỡ những bế tắc trong mối quan hệ giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ Thụy Sĩ-EU đang đứng trước cơ hội xích lại gần nhau hơn.

Nhiều công dân EU sinh sống tại Thụy Sĩ. (Ảnh REUTERS)

Nhiều công dân EU sinh sống tại Thụy Sĩ. (Ảnh REUTERS)

Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Thụy Sĩ thừa nhận, về lâu dài, việc duy trì một mối quan hệ không ổn định sẽ gây ảnh hưởng lợi ích của cả hai bên. Theo ông Ignazio Cassis, Thụy Sĩ nên xích lại gần EU vì có quan hệ gần gũi về kinh tế, hệ tư tưởng và xã hội. Nhà lãnh đạo Thụy Sĩ thông báo, chính phủ nước này muốn ký kết các thỏa thuận hợp tác mới với EU. Khẳng định mong muốn sưởi ấm lại mối quan hệ sau một thời gian nguội lạnh, Tổng thống Ignazio Cassis cho biết, bên cạnh kinh tế, Thụy Sĩ cũng sẵn sàng mở rộng hợp tác với EU trong các lĩnh vực y tế, truyền thông, nghiên cứu, văn hóa. Ông kêu gọi các bên “bình tĩnh và sáng tạo” để tháo gỡ thế bế tắc trong mối quan hệ hiện nay.

Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ tư của EU, trong khi EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của quốc gia Trung Âu. Khoảng 1,4 triệu công dân EU hiện đang sinh sống và làm việc tại quốc gia có 8,6 triệu dân này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngay cả khi hàng hóa Thụy Sĩ giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường EU trong những thập niên tới, EU vẫn sẽ là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

Sở hữu tiềm năng hợp tác lớn, song trong thời gian qua, quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU gặp trở ngại do những bất đồng liên quan việc đàm phán thỏa thuận thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai bên. Quan hệ kinh tế EU-Thụy Sĩ đang được thực hiện theo hơn 100 thỏa thuận song phương trong nhiều lĩnh vực, được ký kết rải rác từ năm 1972 đến nay. Các thỏa thuận nêu trên hiện vẫn còn hiệu lực, song có nguy cơ trở nên lỗi thời theo thời gian, không còn phù hợp tình hình thực tại khi châu Âu đã trải qua rất nhiều biến động về kinh tế, xã hội, chính trị.

Với mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc nhằm thúc đẩy quan hệ Thụy Sĩ-EU phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán về một thỏa thuận khung bao trùm toàn bộ hơn 100 thỏa thuận song phương, nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ song phương. Thỏa thuận được kỳ vọng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ tham gia sâu rộng thị trường EU, nhất là trong bối cảnh thị trường rộng lớn của EU là điểm đến của hơn 40% hàng hóa xuất khẩu của nước này. Với EU, sau khi Anh rời “mái nhà chung”, EU muốn dùng khuôn khổ và mức độ quan hệ hợp tác với Thụy Sĩ làm hình mẫu cho mối quan hệ với các đối tác châu Âu.

Tuy nhiên, sau bảy năm kiên trì, tháng 5/2021, Thụy Sĩ bất ngờ thông báo rút khỏi đàm phán do những khác biệt giữa hai bên về một số nội dung chính trong thỏa thuận. Thụy Sĩ và EU không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề như tự do đi lại, tiền lương, việc lao động người nước ngoài tiếp cận các quỹ phúc lợi xã hội ở Thụy Sĩ, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp trong tương lai. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EU về đóng góp ngân sách và tuân thủ các quy tắc của khối, để đổi lấy quyền tự do tiếp cận thị trường EU. Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ lấy làm tiếc khi Thụy Sĩ đơn phương chấm dứt đàm phán về thỏa thuận mà hai bên đã mất nhiều thời gian thúc đẩy.

Trải qua một thời gian bị gián đoạn, nỗ lực xích lại gần EU, được thể hiện trong những tuyên bố mới đây của Tổng thống Ignazio Cassis, đã mở ra triển vọng giải quyết những “điểm nghẽn” trong quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU. Mặc dù còn nhiều thách thức, song các nhà phân tích hy vọng, với tinh thần nhượng bộ, hai bên sẽ nỗ lực cùng nhau tiến thêm những bước dài trên con đường hợp tác.

MAI HOA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/co-hoi-cai-thien-quan-he-doi-tac--685443/