Cơ hội chinh phục người tiêu dùng nội địa
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Các cấp, ngành, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp, biến thách thức thành cơ hội, chuyển hướng chinh phục thị trường nội địa thay vì tập trung cho xuất khẩu.
Hiện tại, diện tích chè trên địa bàn tỉnh đã bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ với sản lượng bình quân 500 tấn/tuần và tăng dần hằng tuần. Dự kiến vào đợt cao điểm (tháng 8), trung bình mỗi tuần, người trồng chè trên địa bàn sẽ thu hoạch khoảng 2.000 tấn. Do vậy, ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp đã chủ động phương án thu mua hết sản lượng chè búp tươi cho người dân, đảm bảo cây chè không bị lỡ lứa.
Theo khảo sát của Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản tỉnh, trước đây, 90% sản lượng chè búp khô của Lào Cai được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Đài Loan và châu Âu…, chỉ có 10% sản phẩm được tiêu thụ trong nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp đã chuyển hướng tiêu thụ trong nội địa nhằm giảm chi phí lưu kho, giảm thiệt hại. Đánh giá từ đầu năm đến nay cho thấy, sản lượng chè búp khô tiêu thụ trong nước đã đạt 30%. Chè búp khô của Lào Cai đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và ưa chuộng.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản tỉnh cho rằng, thị trường trong nước rất tiềm năng đối với sản phẩm chè. Người Việt sành chè và có thói quen sử dụng chè mạn hằng ngày. Sản phẩm chè Lào Cai có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, vì vậy, các doanh nghiệp chuyển tăng tỷ lệ tiêu dùng nội địa.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn thị xã Sa Pa lao đao vì tồn đọng gần 200 tấn cá, giá cá giảm sâu so với cùng kỳ năm trước bởi trước đây, hầu hết sản lượng cá phục vụ tiêu thụ nội tỉnh thông qua dịch vụ du lịch. Ngày 21/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Cá nước lạnh Lào Cai mời đại diện hệ thống siêu thị Big C khảo sát chất lượng và thu mua cá nước lạnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân.
Sau khi khảo sát, bà Đinh Thị Hải Vân, Giám đốc thu mua hệ thống Big C miền Bắc cho biết: Trước đây, hệ thống Big C miền Bắc chủ yếu bán các sản phẩm cá hồi, cá tầm nhập khẩu, nhưng sau khi khảo sát, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng và chất lượng cá nước lạnh Lào Cai nên quyết định tiêu thụ 5 tấn cá tại hệ thống siêu thị của chúng tôi.
Sau đó, hệ thống siêu thị Big C miền Bắc đã hoàn thiện các thủ tục ký hợp đồng dài hạn, bao tiêu sản phẩm đối với cá nước lạnh Lào Cai. Hiện mỗi ngày, Hiệp hội Cá nước lạnh Lào Cai cung cấp 1 - 2 tấn cá nước lạnh cho hệ thống siêu thị Big C.
Việc Hiệp hội Cá nước lạnh Lào Cai ký kết hợp đồng với Big C đã mở ra cơ hội mở rộng thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong nước với sản phẩm cá nước lạnh của Lào Cai. Ngoài ra, nhiều cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi cũng đẩy mạnh chế biến với 18 dòng sản phẩm (cá hun khói, phi lê, ruốc cá hồi, tinh dầu cá…), đồng thời tăng cường bán hàng online. Nhờ sự thỏa thuận ký kết với Big C và sự năng động của các cơ sở sản xuất, hầu hết sản lượng cá nước lạnh tồn đọng đã được tiêu thụ. Hiện nay, giá cá nước lạnh tại Sa Pa đã tăng trở lại, ở mức 230.000 - 250.000 đồng/kg với cá hồi và 200.000 đồng/kg với cá tầm. Sản phẩm cá nước lạnh của Lào Cai cũng được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến nhờ quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh sản phẩm chè, cá nước lạnh, ngành nông nghiệp cũng đã kết nối với nhiều doanh nghiệp trong nước nhằm liên kết, tiêu thụ sản phẩm chuối, dứa, rau, lâm sản… cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản tỉnh cho biết: Sản phẩm nông - lâm - thủy sản Lào Cai chủ yếu là đặc sản mang tính vùng miền, có sức cạnh tranh, có thương hiệu và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên việc mở rộng tiêu thụ trong nước để ổn định thị trường là hoàn toàn khả thi. Không chỉ xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước cũng rất cần những sản phẩm có chất lượng. Để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, ổn định thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, ngay trong năm 2020, sẽ có ít nhất 4 doanh nghiệp lớn triển khai các dự án xây dựng nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Giải pháp lâu dài của nông nghiệp Lào Cai là xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tăng cường quảng bá để nâng cao giá trị nông sản.
Có thể thấy, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường nói chung và thị trường nông - lâm - thủy sản nói riêng, nhưng việc chuyển hướng từ xuất khẩu sang chinh phục người tiêu dùng nội địa đã góp phần giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, biến khó khăn thành cơ hội thúc đẩy thị trường nội địa, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.