Cơ hội cho BSR trong sự biến động của thị trường dầu mỏ
Thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục chông chênh trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như căng thẳng địa chính trị giữa Iran và phương Tây. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp ngành dầu khí nói chung, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nói riêng đang tập trung thực hiện chiến lược củng cố nội lực để trụ vững trước sóng gió thị trường.
Ổn định sản xuất
BSR có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.
Trong quý III/2019, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định tại 107% công suất thiết kế, tiêu thụ khoảng 1,65 triệu tấn sản phẩm các loại, vượt 1,7% so với kế hoạch quý. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu BSR ước đạt hơn 75.000 tỷ đồng, sản lượng ước đạt 5,2 triệu tấn, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 6.920 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ của BSR được đảm bảo; không có sự cố mất an ninh, cháy nổ, môi trường và mất ngày công lao động. Tính đến hết tháng 9/2019, Công ty đạt hơn 22,7 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công (LTI).
Điểm nổi bật của BSR trong 9 tháng đầu năm 2019 là công tác tiết kiệm, tiết giảm chi phí. Việc kiểm soát, tiết kiệm chi phí được lãnh đạo Công ty quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên và được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Công tác vận hành sản xuất của Nhà máy được duy trì ổn định tại công suất tối ưu giúp giảm tiêu hao nguyên vật liệu, đồng thời các khoản chi phí sản xuất - kinh doanh ngoài dầu thô như hóa phẩm xúc tác, chi phí sản xuất chung… đều thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, BSR đã thử nghiệm chế biến thành công dầu thô WTI Midland (Mỹ), thử nghiệm thành công nâng công suất các phân xưởng NHT/ISOMER/PP tại 130%/150%/112%, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty.
BSR tiếp tục chế biến thử nghiệm lô dầu Bonny Light vào tháng 10/2019, nâng tổng số dầu thô mới bên cạnh dầu thô Bạch Hổ (theo thiết kế ban đầu) là 20 loại, qua đó gia tăng cơ hội mua các loại dầu thô mới có chất lượng, giá cả cạnh tranh trong bối cảnh sản lượng dầu thô Bạch Hổ giảm nhanh.
Không để tuột cơ hội
Bắt đầu từ ngày 1/11/2019, mức thuế suất nhập khẩu dầu thô 5% (nếu có xuất xứ từ các nước, khu vực không thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam như Azerbaijan, Lybia…) sẽ được giảm về 0%. Đây là cơ hội rất lớn trong chiến lược dầu thô và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của BSR, vì dầu thô Azeri (xuất xứ từ Azerbaijan) là dầu thô chiến lược của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trong bối cảnh này, chiến lược hoạt động của BSR bám sát 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là lọc hóa dầu; tối ưu hóa công nghệ để nâng cao hiệu quả nhà máy lọc dầu hiện hữu, khẩn trương triển khai dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới và cơ hội đầu tư các dự án về hóa dầu để mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Thứ hai, linh hoạt chế độ vận hành, điều độ giao nhận sản phẩm hợp lý, tăng cường sản xuất các sản phẩm có hiệu quả cao, duy trì tồn kho hợp lý nhằm giảm thiểu tổn thất lợi nhuận do ảnh hưởng của hàng tồn kho khi thị trường được nhận định có xu hướng giảm.
Thứ ba, xây dựng và áp dụng chính sách bán hàng theo hướng linh hoạt với thị trường nhằm hỗ trợ tối đa, kịp thời cho khách hàng trong việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Dung Quất; đồng hành với khách hàng, coi khách hàng là trọng tâm trong hoạt động bán hàng, tiến đến đối tác tin cậy để cùng nhau phát triển. Đẩy mạnh công tác dự báo, nghiên cứu thị trường, phân tích đánh giá các cơ hội phát triển thị trường. Đồng thời, nghiên cứu việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh nhằm bảo hiểm các rủi ro về thị trường và biến động giá, ổn định sản xuất - kinh doanh.
Thứ tư, chủ động, tự chủ trong công tác cung ứng dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp cho vận hành Nhà máy. Tận dụng cơ hội thuế nhập khẩu dầu thô được giảm về 0% để tăng cường công tác nhập khẩu các loại dầu thô chiến lược như dầu Azedi (có tính chất tương đương dầu Bạch Hổ) để giảm dần sự phụ thuộc vào dầu thô trong nước và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Chia sẻ về Dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc BSR cho biết, Công ty đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và Thiết kế tổng thể (FEED) được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã hoàn thành và tỉnh Quảng Ngãi đang chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho BSR. Hồ sơ mời thầu giai đoạn 2 của gói thầu EPC cũng đã được Công ty hoàn thành trình cấp thẩm quyền phê duyệt với dự kiến được phát hành trong tháng 10/2019.
Tuy nhiên, công tác thu xếp thu xếp vốn cho dự án còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, BSR đã tích cực làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để thu xếp vốn cho dự án, đặc biệt với các nhà thầu EPC tham gia đấu thầu giai đoạn 1 - yêu cầu các nhà thầu thực hiện công tác thu xếp vốn.
Dẫu vậy, các đối tác này đều yêu cầu phải có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bảo lãnh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Vấn đề này đang được BSR tích cực làm việc với PVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nhận được chỉ dẫn và hỗ trợ.