Cơ hội cho cấy máy phát triển
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020-2025 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Trong quy trình cấy lúa bằng máy, khó khăn lớn nhất hiện nay của người dân, HTX, doanh nghiệp là khâu làm mạ khay. Rào cản này sẽ được tháo gỡ bởi ngành nông nghiệp đang xây dựng đề án về phát triển máy cấy. Khi đề án đi vào thực tế sẽ góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả cao
Năm nay, gia đình ông Phạm Đình Triệu ở thôn Văn Diện, xã Hưng Long (Ninh Giang) tiếp tục thuê máy để cấy 2 mẫu ruộng. Qua 4 năm thuê máy cấy, ông Triệu thấy cấy máy mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong bối cảnh lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm như hiện nay. Để cấy 1 sào ruộng, ông chỉ phải trả 240.000 đồng, gồm cả tiền mạ. Nếu thuê cấy bằng tay, ông phải mất 300.000 đồng, cùng tiền mua thóc giống, công làm đất, gieo mạ, chăm bón đến khi đưa mạ ra ngoài đồng.
"Thuê máy cấy, chúng tôi không phải gieo mạ như trước mà toàn bộ khâu này đã có chủ máy lo. Máy cấy nhanh, 2 mẫu ruộng chỉ cấy trong nửa buổi sáng là xong, chúng tôi có thời gian làm việc khác. Chúng tôi đang được UBND huyện Ninh Giang hỗ trợ 50.000 đồng/sào nên mỗi sào chỉ mất 190.000 đồng tiền thuê máy cấy. Hiệu quả làm nông nghiệp vì thế tăng đáng kể", ông Triệu nói.
Máy cấy được đưa vào tỉnh ta từ năm 2013, đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực và ngày càng được nhiều người sử dụng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấy lúa bằng máy giúp tăng năng suất lao động, cây lúa cứng cáp, không bị đổ, ít sâu bệnh nên giảm chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Theo tính toán, so với cấy lúa bằng tay, cấy bằng máy hiệu quả cao hơn 30%.
Đây là năm thứ tư gia đình bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) thuê máy cấy lúa. Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn cấy 1 mẫu ruộng. Bà Thúy chia sẻ: "Gia đình tôi con cái đi làm công nhân hết nên rất bận, không có thời gian làm ruộng. Từ khi có máy, tôi thấy làm nông nghiệp nhàn nhã hơn rất nhiều. Tôi sẽ không bỏ ruộng".
Cơ hội phát triển
Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất của tỉnh đạt 95,5%, tưới tiêu đạt 99,8%, thu hoạch đạt 85%, trong khi khâu gieo hạt và cấy máy chỉ đạt 5%.
Việc đưa máy cấy vào đồng ruộng gặp khó khăn hơn so với những loại máy khác. Trong khi khâu làm đất, tưới nước chỉ cần 1 máy, bất kỳ lúc nào cũng có thể đưa máy xuống đồng và làm việc hoàn toàn độc lập thì để vận hành được máy cấy cần trải qua nhiều công đoạn, có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Quan trọng nhất là khâu chuẩn bị mạ cho máy cấy.
Không giống như mạ cấy trên các ruộng thông thường, mạ cấy máy phải được gieo trong các khay để đặt vào máy. Giá thể gieo mạ phải tơi, xốp để tách mạ dễ dàng... Người đầu tư máy cấy cũng phải mua máy móc, nhà xưởng để gieo mạ bảo đảm đúng kỹ thuật. "Khó khăn nhất với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Long là khâu gieo mạ vì hiện chúng tôi không có đất xây dựng nhà xưởng.
Để có mạ đáp ứng hết nhu cầu của người dân, chúng tôi phải mua thêm mạ từ một đơn vị ở Hải Phòng. Kinh phí mua khay đựng cũng tốn kém. Một sào ruộng cần 9 khay để làm mạ (tương đương 180.000 đồng) nên số tiền mua khay cũng khá lớn", ông Lê Đình Đoan, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Long (Ninh Giang) cho biết.
Trước những lợi ích của máy cấy mang lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 - 2025, chờ UBND tỉnh phê duyệt. Với mục tiêu đến năm 2025, diện tích cấy bằng máy của tỉnh sẽ đạt trên 20% diện tích lúa, đề án đã đưa ra những cơ chế hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất mạ.
Dự kiến tỉnh sẽ hỗ trợ 1 lần 50 triệu đồng/cơ sở cho chi phí thuê mặt bằng để sản xuất mạ khay nếu có hợp đồng thuê đất từ 3 năm trở lên được UBND xã xác nhận, hỗ trợ 10.000 đồng/khay đựng mạ, 1.000 đồng/kg giá thể... Tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho giai đoạn 2020-2025 dự kiến gần 38,5 tỷ đồng.
Trước những cơ chế, chính sách tỉnh dự kiến thực hiện, nhiều người đầu tư vào lĩnh vực máy cấy rất phấn khởi. Anh Vũ Mạnh Cường (Trung tâm Sản xuất mạ khay Kobuta ở xã Tân Hồng, Bình Giang) cho biết: "Để làm được dịch vụ gieo cấy cho người dân, chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng, dụng cụ, máy móc trên 2 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn với nông dân. Nếu tỉnh có cơ chế hỗ trợ, chúng tôi sẽ giảm bớt khó khăn, mở rộng hơn nữa diện tích nhà xưởng cũng như mua thêm máy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân".
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/co-hoi-cho-cay-may-phat-trien-128005