Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sau dịch
Sau đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu nên đã tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp trong nước - chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ để thay thế.
Chính sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đang tạo ra thời cơ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay.
Thông tin được ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - cho biết tại Hội thảo Các nhà cung cấp Việt Nam năm 2020 cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Sự kiện do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và Techtronic Industries Co. Ltd. (gọi tắt là TTI) phối hợp tổ chức.
Tại sự kiện này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm tới khách tham quan, doanh nghiệp FDI với mong muốn được kết nối, hợp tác.
Là đơn vị phối hợp thực hiện sự kiện này nhằm mục đích kết nối với nhà cung cấp Việt - Techtronic Industries Co. Ltd. hi vọng việc tham gia Hội thảo Các nhà cung cấp Việt Nam năm 2020 sẽ thúc đẩy sự hiện diện của mình với các nhà cung cấp trong nước và tạo điều kiện cho các mục tiêu phát triển chiến lược của TTI tại Việt Nam. Bởi theo TTI, đây được xem là một thị trường quan trọng đối với chiến lược mở rộng sản xuất toàn cầu của TTI.
Chia sẻ thêm về kế hoạch của TTI tại Việt Nam, ông Nate Easter - Phó Chủ tịch Điều hành Hoạt động tìm nguồn cung ứng và Sản xuất sản phẩm ngoài trời toàn cầu của TTI - cho biết: Với sự hỗ trợ từ SHTP và chính quyền địa phương, TTI rất vui khi chọn SHTP để xây dựng nhà máy mới nhất của mình tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tập đoàn khi tiếp cận vào nhóm các nhà cung cấp lớn tài năng và có chất lượng cao.
Trên thực tế, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chính phủ đã đề ra ba giải pháp đột phá như: đột phá về thể chế, đột phá về nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ Chính phủ chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước…
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Công Thương thành phố, vừa qua thành phố đã ban hành các chính sách như: hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa doanh nghiệp của thành phố với các doanh nghiệp đầu cuối, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực FDI, các doanh nghiệp nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước… Và sự kiện Các nhà cung cấp Việt Nam năm 2020 tổ chức lần này cũng nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tất cả nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, nắm bắt được những cơ hội mới từ thị trường, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố phát triển tốt hơn.