Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư kinh doanh ở Canada
Cơ hội đầu tư và kinh doanh ở thị trường Canada đang rộng mở đối với các nhà đầu tư Việt Nam sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đáng chú ý doanh nghiệp trong nước có thể chuyển hình thức đầu tư 'thụ động' như lâu nay sang hình thức 'chủ động' với nhiều lợi thế hơn nhờ những cam kết từ hiệp định nói trên cũng như chính sách kêu gọi đầu tư của chính phủ nước này.
Thông tin này được ghi nhận tại buổi tọa đàm “CPTPP - Cơ hội kinh doanh với Canada?” do Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC TPHCM), Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Vietnam Consulting Group (VCG) tổ chức vào ngày 28-6 tại Hội trường Thời báo Kinh tế Sài Gòn, TPHCM.
Thuận lợi cho việc đầu tư hơn
Ông Vince Lalonde, Giám đốc Xuất nhập cảnh - dịch vụ đầu tư của Pace Law Firm, cho rằng CPTPP đã có hiệu lực là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư kinh doanh tại thị trường Canada một cách thuận lợi và dễ dàng hơn so với trước đây.
Cụ thể lâu nay, nhiều nhà đầu tư khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam khi đầu tư vào Canada chủ yếu chọn hình thức đầu tư "thụ động", tức đầu tư một khoản tiền cho chính phủ Canada, sau 5 năm sẽ trả được hoàn trả lại đúng số tiền đó để có được thẻ di chú.
Ưu điểm cho phương thức đầu tư này, theo ông Vince Lalonde là khá an toàn, không bị rủi ro, nhưng điểm yếu thì nhà đầu tư gần như không có lợi nhuận gì cả và nhà đầu tư không phải là người chọn dự án đầu tư mà do chính phủ chọn.
Tuy nhiên, với CPTPP, giờ đây nhà đầu tư Việt Nam có thể chọn phương thức đầu tư "chủ động" như thành lập công ty, mở chi nhánh hoặc mua lại công ty ở Canada,... mà trước đây được cho là còn nhiều "rào cản kỹ thuật" từ phía Canada như yêu cầu phải chứng minh nhiều thứ.
Là người sống và làm việc nhiều năm ở khu vực châu Á, ông Vince Lalonde cho rằng đây là xu hướng đầu tư vào Canada hiện nay mà doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam có thể chọn lựa vì điều kiện dễ hơn trước khá nhiều, nhất là không ràng buộc người thành lập công ty, mở chi nhánh, hoặc người chủ doanh nghiệp phải ở Canada đủ thời gian 24 tháng để có thẻ cư trú, hoặc đủ 36 tháng (trong thời gian 5 năm) để có quốc tịch Canada. Chỉ cần người thân gia đình, hoặc nhân viên của công ty có mặt tại Canada đủ thời gian quy định trên là được.
Đáng chú ý, nếu đầu tư theo hướng "thụ động", nhà đầu tư phải đợi 4-6 năm mới có thể có thẻ cư trú tại Canada thì phương thức đầu tư theo hướng "chủ động", gồm tự thành lập công ty kinh doanh, mua lại doanh nghiệp của Canada, mở chi nhánh công ty tại Canada,... nhà đầu tư có thể đi lại hoặc hoạt động tại Canada nhanh hơn khá nhiều, thậm chí chỉ cần 3-6 tháng.
Với phương thức đầu tư này, quy định của Canada là phải thuê một lượng người lao động nhất định là người bản xứ. "Đây cũng là điểm khác biệt lớn của phương thức chủ động đầu tư này, khi đó chúng ta trở thành người chủ thật sự tại thị trường Canada", ông nói.
Đáng chú ý, những cá nhân không phải là chủ doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng đã từng giữ những vị trí về kỹ năng quản lý, kỹ năng về kinh doanh... tại một doanh nghiệp ở Việt Nam, như vị trí trưởng phòng hoặc trưởng bộ phận kinh doanh thì Chính phủ Canada cũng khuyến khích đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Vince Lalonde, Canada là đất nước rất rộng lớn, một địa phương của nước này có thể bằng diện tích của cả đất nước Việt Nam, và mỗi địa phương của nước này có những điều kiện, quy định và ưu đãi nhà đầu tư khác nhau, đòi hỏi nhà đầu tư cần phải thuê công ty có kinh nghiệm tư vấn và nắm rõ về pháp luật của nước sở tại của từng địa phương để có thể trao đổi, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư ở địa phương nào tại Canada cho phù hợp. Hoặc nhà đầu tư muốn mua lại doanh nghiệp Canada nào đó cũng phải thuê công ty tư vấn để điều tra và có thể kiểm tra chéo về hoạt động của doanh nghiệp này,..."Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh hoặc giảm thiểu tối đa khi đầu tư", ông nói. Tương tự, muốn mở chi nhánh, nhà đầu tư cần đến tận nơi để kiểm tra tính khả thi.
Cơ hội đẩy mạnh giao thương
Nhiều năm qua, hoạt động đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Canada còn hạn chế, trong đó cản trở nhiều nhất được xem là hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, theo ông Bryon Wilfert, nguyên Thượng nghị sĩ Quốc hội Canada và là Chủ tịch danh dự Canada Trade Link, khi tham gia CPTPP, Canada gần như dỡ bỏ trở ngại lớn nhất về hàng rào thuế quan này đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, là cơ hội để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác làm ăn. Ông cho rằng, với tư cách là thành viên của CPTPP, Việt Nam và Canada có thể hỗ trợ nhau phát triển thị trường cũng như mở rộng quan hệ kinh doanh, hợp tác chặt chẽ bổ sung cho nhau.
"Chúng tôi muốn sử dụng CPTPP để đẩy mạnh hợp tác tốt hơn thông qua việc hạ mức thuế tốt nhất giữa hai nước", ông Bryon Wilfert nói, và thể hiện sự ấn tượng của mình với Việt Nam khi 60% dân số dưới 30 tuổi và tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm và xem Việt Nam là đối tác quan trọng là thị trường lớn để doanh nghiệp Canada chọn đẩy mạnh hợp tác kinh doanh và từ đây mở rộng phát triển những thị trường khác của khu vực ASEAN.
Canada có nhiều thế mạnh về công nghệ sạch, xử lý chất thải, phát triển năng lượng sạch, công nghệ xử lý nước... mà theo ông Bryon Wilfert, rất mong 2 nước đẩy mạnh hợp tác. Việt Nam có những dự án về phát triển cơ sở hạ tầng mà Canada mong muốn được đầu tư, doanh nghiệp Canada cũng muốn xây dựng nhà giá rẻ cho các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam…
"Mong rằng sắp tới sẽ có nhiều liên doanh giữa Việt Nam-Canada được hình thành để đẩy mạnh việc hợp tác và tiến sâu hơn nữa giữa hai nước", ông nói, và cho rằng Canada Trade Link muốn đại diện làm cầu nối "lót đường" cho doanh nghiệp 2 nước trong việc hợp tác đầu tư kinh doanh...
Ở chiều ngược lại, với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam và Canada có thỏa thuận thương mại tự do, tạo căn cứ pháp lý quan trọng hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư của hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao cho nhau.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chuyển từ mức thuế MFN trung bình 17% xuống 0%.
Lê Hoàng