Cơ hội cho nhà đầu tư trong nước tỏa sáng
Ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải chính thức phát đi thông tin về việc hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia trong nước bày tỏ sự hưởng ứng. Đây được coi như là cơ hội lớn, một mảnh đất 'mầu mỡ' cho các nhà đầu tư trong nước thể hiện mình.
Tính đến cuối tháng 7 năm 2019, sau 2 tháng kể từ lúc phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Kết quả đánh giá của bên mời thầu và quá trình thẩm định của cơ quan nhà nước cho thấy, 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án chỉ một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; một dự án có từ 2 nhà đầu tư và một dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
"Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao", thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu. Trước thực tế trên, Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế; điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP. Việc này được cho sẽ giúp "đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng".
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa,Trường Đại học GTVT, bất kỳ vấn đề gì cũng có hai mặt (cơ hội và thách thức), nếu các doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội thì rất tốt. Nhưng ngược lại thì rất khó khăn, việc đấu thầu trong nước hay đấu thầu quốc tế là theo tích chất dự án công việc của chủ đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư - Đặng Đại cũng cho biết, hiện năng lực và kỹ thuật thi công của các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được yêu cầu của đoạn tuyến tại dự án. Các nhà đầu tư trong nước chỉ cần quan tâm đến nguồn vốn ngân sách của 8 đoạn tuyến phía Đông, Nhà nước cam kết đảm bảo 30% trong tổng vốn đầu tư. Như vậy, 8 đoạn tuyến này chủ đầu tư đảm bảo 20% còn lại là nguồn vốn vay tín dụng. Với 20% này thì các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đáp ứng được. Còn về kỹ thuật, hiện các nhà đầu tư trong nước đã thực hiện nhiều tuyến cao tốc và cầu lớn, hầm đường về mặt kỹ thuật hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.
Được biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được cung cấp kịp thời để toàn thể nhân dân được biết và giám sát.
Ngày 25-9, trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư có kinh nghiệm nhìn nhận về việc hủy đấu thầu quốc tế của Bộ GTVT như một cơ hội đầu tư lớn để tham gia. Song khi được hỏi đơn vị của họ có sẵn sàng tham gia không thì nhiều ý kiến chia sẻ còn băn khoăn.
Ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) bộc bạch, doanh nghiệp mong muốn các tiêu chí xét thầu được hạ thấp hơn như vốn chủ sở hữu, năng lực để nhà đầu tư trong nước có thể tham gia. Theo ông, thời gian qua nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, vỡ phương án tài chính khiến nhiều nhà đầu tư nao núng cũng như các ngân hàng khó khăn và không muốn tiếp tục cho vay. Nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn và phải thế chấp đến 50-60% tổng vốn đầu tư.
Ngoài ra, ông Nhận đánh giá, cao tốc Bắc Nam không thực sự hấp dẫn đầu tư khi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều tuyến miễn phí nên cao tốc Bắc Nam có thể bị vắng xe sau khi đầu tư. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải tính toán lưu lượng xe ở mức cao.
Trở lại bài toán đấu thầu trong nước, các nhà đầu tư sẽ cần những điều kiện gì? Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, sau khi hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế, dự kiến tháng 10 tới, Bộ sẽ phát hồ sơ mời thầu và sơ tuyển nhà đầu tư trong nước cho 8 dự án cao tốc Bắc Nam, chấm sơ tuyển và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2020. "Chúng tôi sẽ cố gắng rút ngắn thời gian các công đoạn để kịp tiến độ triển khai cao tốc Bắc Nam theo kế hoạch đã đề ra", ông Nguyễn Danh Huy nói.
Vụ trưởng Đối tác công tư cho biết, phần lớn tiêu chí đối với nhà đầu tư trong nước sẽ vẫn giữ nguyên như vốn chủ sở hữu chiếm 20% dự án, song một số tiêu chí khác về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đang được Bộ lấy ý kiến theo hướng hạ thấp hơn so với nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá sơ bộ về năng lực của nhà đầu tư trong nước, ông Huy cho biết, tại vòng sơ tuyển đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện vào vòng đấu thầu. Tuy nhiên, hiện nay chưa khẳng định năng lực các nhà đầu tư tham gia như thế nào, các doanh nghiệp cần nộp hồ sơ sơ tuyển sau đó sẽ được chấm điểm năng lực.