Cơ hội cho những doanh nghiệp 'nói thật làm thật' ngay trên 'vùng nguyên liệu'

có cơ hội thực thi Hiệp định EVFTA là công sức của 10 năm phấn đấu không ngừng nghỉ của Chính phủ và để hưởng lợi từ Hiệp định này đòi hỏi không chỉ 'sức bật' của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu mà còn buộc cả chuỗi sản xuất ở Việt Nam phải 'nói thật làm thật' ngay trên vùng nguyên liệu.

Bài liên quan

Muốn vào “sân chơi” lớn phải chấp nhận khó khăn, thách thức mới

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu: “Chúng ta đang ở “ngã ba đường” khi thực thi Hiệp định EVFTA”

Công nghệ - từ khóa “trở mình”

Vốn là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, kỳ vọng của doanh nghiệp chè khi Hiệp định EVFTA được thông qua là có thêm cơ hội để mở rộng thị trường và tiếp cận công nghệ chế biến hàng đầu của EU. Vì hiện nay dù có hẳn một trang trại hữu cơ trồng chè Shan tuyết ở Hà Giang nhưng lượng chè xuất sang EU vẫn dưới dạng thô và số lượng rất nhỏ lẻ.

Điều doanh nghiệp kỳ vọng nhất ở thị trường EU thời điểm này là được tiếp cận công nghệ chế biến sản xuất vì nếu chỉ xuất chè nguyên liệu thì lãi rất ít. Thậm chí, thị trường EU nghiễm nhiên biến mình thành vùng nguyên liệu an toàn cho họ còn khâu sản xuất và thương hiệu đều thuộc về EU. Nếu như vậy chẳng khác gì mình “nai lưng” ra làm thuê ngay trên vùng nguyên liệu, trong khi với sản lượng và chất lượng chè Shan tuyết của Việt Nam nếu là “ra đầu ra đũa” sẽ chinh phục được những “thực khách” khó tính nhất.

Hiện nay chè Việt Nam vẫn hái thủ công nên kéo theo rất nhiều chi phí. Chính vì thế hiện tại các doanh nghiệp chè kỳ vọng ở EVFTA là hưởng lợi công nghệ từ thị trường EU để từng bước nâng cao chất lượng chế biến.

Chưa kể, thị trường EU như một cái chợ, nghĩa là tất cả các sản phẩm trên thế giới đều có mặt và sức cạnh tranh cũng “kịch liệt”. Ở thị trường này, cùng một loại chè nhưng của Trung Quốc rẻ hơn so với Việt Nam ít nhất 10-15% nên để kỳ vọng cạnh tranh rất khó nếu không có công nghệ hỗ trợ.

Như ở Trung Quốc họ được Chính phủ quan tâm và cho đầu tư những vùng nguyên liệu rất chất lượng cộng thêm công nghệ chế biến hiện đại hơn vì thế nếu để cạnh tranh “tay đôi” trên thị trường EU là rất khó. Thêm nữa chè của Trung Quốc được hái bằng máy trong khi ở Việt Nam chè vẫn hái thủ công nên kéo theo rất nhiều chi phí và chất lượng chè không đảm bảo.

Chính vì thế hiện tại doanh nghiệp chè này kỳ vọng trước mắt là hưởng lợi công nghệ của EU để từng bước nâng cao chất lượng chế biến rồi sau đó mới tính tới thương hiệu chè Made in Việt Nam trên thị trường vừa được Hiệp định EVFTA thông qua, ông Bình chia sẻ.

Không riêng gì ngành chè mà thực tế cho thấy công nghệ là từ khóa để mở cửa cho hội nhập, thời điểm này Hiệp định EVFTA đã chính thức đi vào hiệu lực nghĩa là doanh nghiệp Việt đang từng bước có cơ hội tiếp cận. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian vì hiện nay dịch Covid-19 vẫn là một tác nhân “vô hình” làm gián đoạn mọi hoạt động xuất nhập khẩu, thậm chí chi phối cả nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Cùng với đó, một trong những cam kết để được hưởng thuế quan ưu đãi ở Hiệp định EVFTA là vấn đề về truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu. Có lẽ đây là vấn đề nan giải nhất cho các doanh nghiệp đã, đang và sắp xuất khẩu phải “đau đầu”.

Chinh phục thị trường EU từ những điều nhỏ nhất

Trong quá khứ đã không ít doanh nghiệp ngậm ngùi tìm cửa “thoát hiểm” cho những lô hàng chẳng may gặp sự cố. Liên quan đến doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều ở Bình Phước, dù mất cả năm ròng để có thể thu hoạch và dự định xuất đi châu Âu nhưng vì vườn bên cạnh “tắm” cho cây. Chẳng may, cây điều “uống” phải một ít nguồn nước có nhiễm hóa chất.

Chủ doanh nghiệp không tin nổi vào mắt mình khi nhận kết quả kiểm định từ phía đối tác gửi sang, nhưng tiêu chuẩn đã cam kết nên đành cho cả trang trại “đào bới xới lộn” lên để tìm nguyên nhân và kết quả tại vì nhà hàng xóm sử dụng hóa chất khi làm vườn.

Qua chuyện này cho thấy, không phải vì thị trường EU khó tính mà tiêu chuẩn của họ khắt khe để đảm bảo chất lượng cho thị trường màu mỡ với bình quân GDP cao gấp 10 lần Việt Nam. Nên dù một chi tiết với chuỗi sản xuất của mình là nhỏ nhưng với họ cũng là cả vấn đề. Vì thế đó không chỉ là bài học cho riêng doanh nghiệp nào mà là cho cả chuỗi sản xuất của Việt Nam cần nêu cao tinh thần cẩn trọng.

Bên cạnh đó, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, thị trường EU còn “xét nét” cả quá trình sản xuất hàng hóa có… nhân văn hay không. Tức là trong quá trình sản xuất phải bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường.

Nếu để thị trường 500 triệu dân này phát hiện hàng nhập khẩu đó tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên thì họ sẽ tẩy chay và khi đó hậu quả sẽ không lường trước được. “Lịch sử” thẻ vàng EU dành cho ngành thủy sản Việt Nam là bài học đắt giá cho ngành xuất khẩu. Vì vậy, đây là sân chơi buộc cả chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam phải chơi rất chuyên nghiệp, nhân văn và minh bạch.

Không những thế, các chuyên gia kinh tế còn đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội “đổi đời”, đầu tiên là Việt Nam được “đồng hóa” tiêu chuẩn với thị trường EU - vốn là một đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính. Chưa kể, nếu chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường này yêu cầu thì không chỉ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng mà ngay cả người dân cũng “bội thu”.

Hiệp định EVFTA xây dựng trên nguyên tắc “có đi có lại”

Liên quan đến chuyện được mất trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định với Hiệp định EVFTA không chỉ xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được nhập khẩu nhiều dòng máy móc, thiết bị tốt hơn. Liên minh EU gồm những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới với mức độ đầu tư công nghệ cao rất lớn.

Trong khi đó, Việt Nam thì đang khát khao phát triển theo công nghệ 4.0. Do đó, thị trường này vừa là nguồn cung cấp cũng như là bạn hàng đầu tư lớn cho lĩnh vực này. Nhập khẩu những sản phẩm công nghệ tiên tiến mới giúp nâng được tầm của kinh tế Việt Nam lên và làm cho nền tảng kinh tế chúng ta tốt hơn, làm tăng nội lực cho Việt Nam.

Ngay trong Hội nghị ngày 6/8 với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu” diễn ra trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực từ 1/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, các doanh nghiệp, đơn vị làm chính sách cần nhận thức đúng đắn rằng, cũng như các FTA khác, Hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên.

Hiệp định EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa, Việt Nam có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của châu Âu. Vấn đề ở đây là bên cạnh việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên.

EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam và do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của chúng ta. Chính vì thế, những mặt hàng mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị… sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Khánh Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-hoi-cho-nhung-doanh-nghiep-noi-that-lam-that-ngay-tren-vung-nguyen-lieu-post93103.html