Cơ hội cho nông sản Việt vào thị trường EU
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ là cơ hội cho nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, để vào được thị trường EU, sản phẩm đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn cao.
Chủ yếu xuất thô
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết thị trường EU chiếm khoảng 25% tổng lượng xuất khẩu thủy sản/năm, nhưng phần lớn chỉ xuất khẩu thô. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 7 tới, hơn 800 dòng thuế đối với thủy sản sẽ về mức 0%, trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 năm tiếp theo sẽ giảm 0% đối với các dòng thuế còn lại.
Tuy nhiên, EU không phải thị trường “dễ tính”, sản phẩm đòi hỏi phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm theo chứng nhận quốc tế. Khó khăn lớn nhất là việc đàm phán và nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của EU để nhanh chóng tận dụng lợi thế từ EVFTA.
Gạo Việt Nam đã xuất sang các nước trong EU từ lâu nhưng chưa thể cạnh tranh được với các nước khác do phải chịu thuế suất cao; với EVFTA, thuế suất của gạo về 0% - đó sẽ là lợi thế rất lớn.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, các doanh nghiệp (DN) thường nhập khẩu gạo Việt Nam dưới dạng thô (bao 50kg - 100kg), về đóng lại từng bao nhỏ (5kg - 10kg), gắn nhãn mác, bao bì, thương hiệu của họ và bán với giá cao gấp đôi. Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng thương hiệu riêng không dễ.
Với công nghệ bảo quản “cũ kỹ”, trái thanh long chỉ để được trong vòng 35 ngày, nếu vận chuyển bằng đường thủy, sang EU đã mất 30 ngày. “Hạn sử dụng” trái thanh long chỉ còn 5 ngày trên kệ, làm sao cạnh tranh? Các DN xuất khẩu thanh long đang mong chờ đầu tư công nghệ mới, nâng thời gian bảo quản sau thu hoạch của thanh long đạt 45 ngày, như vậy đến thị trường EU còn được 2 tuần trên kệ. Thế nhưng, chi phí nghiên cứu quá cao!
Trải qua nhiều năm, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất thô, chưa có trong công nghệ sau thu hoạch, chưa xây dựng được thương hiệu riêng.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nguồn cung nông sản có tính chất thời vụ, không liên tục, không ổn định do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, khó kiểm soát các nguy cơ nhiễm dư lượng kháng sinh.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước chủ yếu sử dụng sản phẩm dưới dạng tươi sống, nên chưa phát triển công nghệ chế biến tại thị trường nội địa. Trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, có đến 95% cơ sở chế biến nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Đầu tư công nghệ chế biến
Với vị trí địa lý không thuận lợi, hàng nông thủy sản của ta vào EU thường theo đường hàng không, phí vận chuyển cao khiến giá thành cao - sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia nông nghiệp trong nội khối EU hay lân cận. Nếu vận chuyển bằng đường thủy, trái thanh long, xoài, măng cụt, chôm chôm… cần đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch hơn 60 ngày, nhưng chi phí rất cao.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch để chuyển giao cho DN với giá thành rẻ, cạnh tranh được với nước khác.
Bên cạnh xây dựng được thương hiệu, ngành nông sản cần nghiên cứu giống tốt (như giống gạo ST25), cánh đồng mẫu lớn, sản xuất cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng, mới giảm được giá thành. Các DN xuất khẩu cần liên kết đơn vị sản xuất để giám sát từ khâu nguyên liệu, canh tác theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết Bộ NN-PTNT đang triển khai Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại các địa phương, xây dựng dữ liệu quốc gia như một đầu mối kiểm dịch, sàn giao dịch, thông tin thị trường… Khi mô hình này ra đời, sẽ hỗ trợ nhiều cho hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, các DN đừng quên xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực hiểu biết về khoa học công nghệ, về thị trường, thị hiếu, tiêu chuẩn sản phẩm, nắm chắc các rào cản kỹ thuật để xây dựng chiến lược.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều mặt hàng nhập khẩu khan hiếm. Đây chính là cơ hội để các DN Việt Nam đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường nội địa, hướng tới đưa thương hiệu ra nước ngoài.
Bộ NN-PTNT cho biết sẽ hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ hiện đại tiên phong chế tạo ra sản phẩm mới, có tính chất dẫn dắt thị trường kết nối theo chuỗi giá trị, chuyển từ “đóng bao” sang “đóng gói”. Đồng thời, DN cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để xây dựng, quảng bá thương hiệu ra các nước, đưa vào các nhà phân phối toàn cầu để thông qua con đường đó có thể xuất khẩu. Bên cạnh các chính sách chung do Trung ương ban hành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát ban hành các cơ chế chính sách riêng phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-hoi-cho-nong-san-viet-vao-thi-truong-eu-649279.html