Cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Mỹ, Ai Cập và Qatar đã kêu gọi Israel và Hamas tiến hành đàm phán vào ngày 15/8 để đưa ra thỏa thuận cuối cùng về lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin. Liệu rằng đây sẽ là cơ hội tốt để có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Dải Gaza?
Con đường đi đến đàm phán
Ngày 8/8, các nhà lãnh đạo Mỹ, Ai Cập và Qatar, những quốc gia thể hiện sự nỗ lực hòa giải xung đột ở Trung Đông, đã ra tuyên bố chung kêu gọi Israel và Hamas ngay lập tức đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin, tù nhân. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Quan chức của ba nước đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều tháng để phát triển một thỏa thuận khung, hiện đang được xem xét và chỉ còn lại một số chi tiết thực hiện cần được thống nhất”.
Các nhà hòa giải quốc tế đề xuất các bên tham chiến sẽ tiến hành đàm phán trực tiếp vào ngày 15/8 tới tại Doha hoặc Cairo để “thu hẹp khoảng cách và thực hiện thỏa thuận mà không bị trì hoãn thêm”. “Không còn thời gian và không có lý do gì để hai bên trì hoãn thêm nữa. Đã đến lúc thả con tin, ngừng bắn và thực hiện thỏa thuận này”, tuyên bố nhấn mạnh.
Đáp lại lời kêu gọi của các nhà hòa giải quốc tế, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo sẽ cử một phái đoàn đến đàm phán vào ngày 15/8 để “hoàn thiện các chi tiết thực hiện thỏa thuận khung” về việc thả con tin. Trong khi đó, phong trào Hamas vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức. Tờ New York Times bày tỏ nghi ngờ, vẫn chưa rõ ai sẽ có thể đại diện cho Hamas tại các cuộc đàm phán khi cựu thủ lĩnh Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran vào ngày 31/7 vừa qua, và người kế nhiệm ông, Yahya Sinwar, cũng đang bị Israel truy lùng ở Dải Gaza, khó có thể xuất hiện trước công chúng. Còn tờ Times of Israel đưa tin, sau cái chết của thủ lĩnh Ismail Haniyeh, thành viên Hamas có trụ sở tại Doha là Khalil al-Hayya sẽ dẫn đầu và đại diện cho Hamas tại các cuộc đàm phán sắp tới.
Thỏa thuận khung giữa Israel và Hamas
Theo các nhà hòa giải quốc tế, dự thảo thỏa thuận được đề xuất dựa trên các nguyên tắc được Tổng thống Mỹ Joe Biden vạch ra vào ngày 31/5 và được Nghị quyết số 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Các hòa giải viên cho biết, nếu cần thiết, họ sẵn sàng cung cấp cho các bên văn bản cuối cùng của thỏa thuận, “giúp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để đáp ứng yêu cầu, lợi ích của tất cả các bên”.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất kế hoạch hòa bình ở Dải Gaza gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, lực lượng Israel sẽ rút khỏi “tất cả các khu vực đông dân cư” ở Gaza. Một số con tin - bao gồm cả người già và phụ nữ - sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine, thường dân Palestine có thể trở về nhà của họ ở Gaza. Trong giai đoạn này, Hamas và Israel sẽ đàm phán về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra trong hơn 6 tuần, lệnh ngừng bắn tạm thời sẽ kéo dài trong khi họ tiếp tục.
Trong giai đoạn thứ hai, ông Biden cho biết sẽ có cuộc trao đổi tất cả các con tin còn sống còn lại, bao gồm cả các binh sĩ. Lực lượng Israel sẽ rút khỏi Gaza và lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ bắt đầu.
Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza và trao trả “những hài cốt cuối cùng” của con tin đã tử vong cho gia đình họ.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tiết lộ, khi các nước hòa giải đưa ra tuyên bố chung đã không nêu rõ chính xác dự thảo cuối cùng của thỏa thuận trông như thế nào, nhưng lưu ý những nhượng bộ của các bên về một số điểm, chẳng hạn như trình tự thả con tin Israel và tù nhân Palestine. Theo phía Mỹ, sự khác biệt giữa các bên vẫn còn từ 4 đến 5 điểm, và Mỹ hy vọng các bên có thể đạt được tiến bộ thông qua đàm phán.
Theo Times of Israel, bất đồng giữa Israel và Hamas đặc biệt sâu sắc liên quan đến việc thực hiện giai đoạn một và giai đoạn hai trong đề xuất của Tổng thống Joe Biden. Phong trào Hamas muốn Israel trả tự do cho những người Palestine để đối lấy binh sĩ Israel và các con tin; trong khi đó, phía Israel muốn thảo luận các vấn đề phi quân sự hóa rộng hơn trước khi chuyển sang giai đoạn mới. Các quan chức Israel tiếp tục nhấn mạnh rằng, thỏa thuận thả con tin không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu quân sự, tức là tiêu diệt hoàn toàn Hamas tại Dải Gaza.
Rõ ràng, những bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa các bên là rất lớn. Các nhà hòa giải quốc tế sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy các bên thu hẹp bất đồng, đạt được tiến bộ trong việc thực thi kế hoạch hòa bình cho Dải Gaza.
Cái chết của thủ lĩnh Ismail Haniyeh “phủ bóng đen” lên kết quả đàm phán
Các cuộc đàm phán sắp tới đang trở nên phức tạp hơn đáng kể do cái chết của thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh, người đã đến Tehran vào cuối tháng 7 để tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, nơi Haniyeh cư trú đã bị tấn công bởi một đầu đạn tầm ngắn có chứa khoảng 7kg thuốc nổ.
Chính quyền Iran cáo buộc Israel đứng đằng sau vụ giết người, song cho đến nay chính quyền nhà nước Do Thái vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự liên quan của họ trong vụ tấn công.
Vào ngày 6/8, Yahya Sinwar, lãnh đạo của phong trào Hamas ở Dải Gaza và là một trong những người đồng sáng lập cánh quân sự của lực lượng này, đã trở thành người đứng đầu mới của Bộ Chính trị Hamas. Chính quyền Israel cáo buộc ông Yahya Sinwar phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 251 người bị bắt làm con tin. Ngoại trưởng Israel Israel Katz gọi việc Hamas bổ nhiệm thủ lĩnh Yahya Sinwar là “một lý do thuyết phục khác để quân đội Israel truy lùng và quét sạch tổ chức này”.
Theo tờ RBC, Lyudmila Samarskaya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, cái chết của thủ lĩnh Ismail Haniyeh càng xoáy sâu vào bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa các bên. Các cuộc đàm phán trước đây nhiều lần đổ vỡ do những khác biệt cơ bản về lập trường của các bên. Tân thủ lĩnh Yahya Sinwar có ảnh hưởng rất lớn, nhưng cái chết của thủ lĩnh Ismail Haniyeh dẫn đến lòng căm thù sục sôi trong các chiến binh Hamas và sẽ rất khó để ông Sinwar thúc đẩy một thỏa hiệp với Israel khi mà “lòng quân” không đồng thuận.
Trong khi đó, Iran và nhóm Hezbollah thân Iran của Lebanon đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công trả đũa chống lại Israel. Axios viết rằng, các quan chức Mỹ coi thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza là cách duy nhất để giảm căng thẳng trong khu vực. Bằng cách thúc đẩy Israel và Hamas ngồi vào bàn đàm phán, Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng sẽ ngăn chặn Iran và Hezbollah tấn công Israel, đồng thời đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Gaza, từ đó thúc đẩy hòa bình cho Trung Đông khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. Nếu thành công, đây sẽ là thành tựu ngoại giao lớn cho đảng Dân chủ.
Hiện nay, sức ép đang đè nặng lên vai của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về việc nên hay không nên thỏa hiệp với Hamas. Tại cuộc họp ngày 31/7, người đứng đầu cơ quan tình báo Israel Mossad và Shabak đã cáo buộc Thủ tướng Netanyahu cản trở việc ký kết thỏa thuận thả con tin - chi tiết về cuộc tranh luận gay gắt của các quan chức lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ Israel đã được Kênh 12 của Israel công bố. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel nhanh chóng phủ nhận thông tin trên.
Các cuộc biểu tình rầm rộ thường xuyên được tổ chức ở Israel, những người tham gia kêu gọi Chính phủ sớm ký kết thỏa thuận với Hamas. Ngược lại, thỏa thuận này bị phản đối bởi các đồng minh liên minh cực hữu của Thủ tướng Netanyahu, điển hình như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben Gvir (Đảng Otzma Yehudit) và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich (Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Họ đã nhiều lần đe dọa rằng trong trường hợp đạt được thỏa thuận với Hamas, các đảng của họ sẽ rời bỏ chính phủ, làm sụp đổ liên minh cầm quyền và tiến hành bầu cử sớm.
Chuyên gia Lyudmila Samarskaya nhận định, việc kéo dài giao tranh sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong dư luận và những lời chỉ trích đối với Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu sẽ tiếp tục gia tăng. “Mặt khác, sau khi chiến sự kết thúc, một cuộc điều tra và truy tố những người không thể ngăn chặn sự kiện ngày 7 tháng 10 là điều không thể tránh khỏi, và giới lãnh đạo chính trị hiện tại của Israel gần như chắc chắn sẽ không thể giữ nguyên vị trí của họ”, bà Samarskaya nói.
Sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán dự kiến được tổ chức vào ngày 15/8 khó có thể làm xấu hơn nữa tình hình vốn đã khó khăn của Chính phủ Israel và cá nhân Benjamin Netanyahu. Mặc dù một phần đáng kể người Israel ủng hộ thỏa thuận này, nhưng nhiều ý kiến vẫn chưa sẵn sàng đồng ý với các điều khoản của Hamas và tin rằng những nhượng bộ là không đáng phải thực hiện. Hơn nữa, Thủ tướng Netanyahu vẫn cần sự ủng hộ của các đồng minh liên minh cực hữu để duy trì vị thế lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Israel tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ rình rập, từ các hoạt động trả đũa của Iran và các lực lượng thân Iran tại khu vực, như Hezbollah tại Lebanon, Houthi tại Yemen.