Cơ hội của cà phê Việt Nam trước các quy định mới của EU
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2021.
EU là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới, chiếm tỷ trọng trên 60% nhập khẩu cà phê và 33% tổng tiêu dùng cà phê trên toàn cầu.
Kim ngạch nhập khẩu cà phê của khu vực này đạt 17,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cà phê nhân đạt 8 tỷ USD và cà phê chế biến đạt 9,4 tỷ USD.
Thị phần cà phê nhập khẩu từ các nước ngoài EU chủ yếu là từ Brazil (28%), Việt Nam (18%), Honduras (6,3%). Các quốc gia EU như Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Italy, Hà Lan là những nhà nhập khẩu hàng đầu cà phê Việt Nam.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vào EU đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2021. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu cà phê sang EU.
Cà phê nhân Việt Nam được các nhà nhập khẩu châu Âu sử dụng để phối trộn với cà phê Arabica chất lượng cao hơn để sản xuất cà phê hòa tan và viên nén cà phê.
Ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quy định cấm nhập khẩu vào thị trường EU những mặt hàng nông sản gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ.
Mục tiêu của EU là nhằm hạn chế tiêu dùng và sản xuất một số loại nông sản liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Phạm vi của quy định nhằm thiết lập các quy tắc kiểm soát chuỗi một số mặt hàng nông sản được cho là động lực và nguyên nhân chính của việc mở rộng nông nghiệp dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng.
Quy định đã được đăng tải trên Tạp chí chính thức của EU ngày 9/6 và sẽ có hiệu lực vào ngày 29/6.
Về việc liệu những quy định của EU có ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam hay không, ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, sau 18 tháng kể từ khi quy định mới này có hiệu lực, EU tiến hành đánh giá phân loại và công bố danh sách các quốc gia có nguy cơ rủi ro thấp và rủi ro cao liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.
Có nghĩa là khi quy định có hiệu lực, các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới.
Theo ông Trần Văn Công, Việt Nam kiểm soát rất tốt việc phá rừng lấy đất sản xuất, trong đó có cà phê. Từ những năm gần đây, Việt Nam đã không còn hiện tượng này. Do đó, Việt Nam sẽ không rơi vào nhóm có nguy cơ.
Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp sản xuất, EU cũng chia ra theo quy mô lớn, vừa và nhỏ tương ứng với tần suất kiểm tra.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên sẽ thuộc các quốc gia có tần suất kiểm tra thấp và mức độ yêu cầu sẽ không cao như đối với các doanh nghiệp lớn từ những nước có tần suất kiểm tra cao.
Mặt khác, nghĩa vụ về thu thập các bộ chứng từ, các số liệu liên quan để làm cơ sở dữ liệu vùng trồng, vùng sản xuất, các trang trại hay diện tích trồng cà phê cũng không tạo ra nhiều gánh nặng cho những nhà sản xuất hàng xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị, và thu thập thêm các thông tin mà trước đây chưa làm để chứng minh các hồ sơ liên quan đến quy định mới về các mặt hàng xuất khẩu có liên quan đến phá rừng.
Trong khi đó, theo bà Isabelle Lemmens, phụ trách quản lý bền vững thuộc Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), quy định mới của EU sẽ tác động đến tất cả các quốc gia xuất khẩu cà phê. Các lô hàng cà phê nhập khẩu vào châu Âu phải chứng minh là không có nguồn gốc từ các trang trại được xây dựng trên những lô đất rừng bị chặt phá kể từ ngày 25/12/2016.
Đại diện ECF cho biết, việc trồng và sản xuất cà phê ở Việt Nam phải tuân thủ luật pháp quốc gia và không được vi phạm những quy định của châu Âu. Về phần mình, ECF sẽ tìm kiếm giải pháp cho việc duy trì nhập khẩu cà phê vào châu Âu khi quy định có hiệu lực.
Bà Lemmen nói: “Quy định này được áp dụng với tất cả các loại cà phê, dù là sản xuất bên trong hay bên ngoài EU, nhằm tránh mọi hình thức lao động cưỡng bức. Nó sẽ liên quan đến việc xem xét lại các chuỗi cung ứng”.
Việt Nam có nhiều tiềm năng về cà phê khi là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil và là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Đồng thời, Việt Nam đứng thứ ba về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững 4C (Common Cod Coffee Community - tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) và UTZ (UTZ certified- một chương trình phát triển bền vững cho cà phê, cacao và chè), có xu hướng sản xuất cà phê Robusta chất lượng cao.
Việt Nam đang phát triển tăng tỷ lệ cà phê đặc sản, cảnh quan bền vững, để giữ vững vị thế là nhà cung cấp ổn định, quy mô lớn và đáng tin cậy của EU.