Cơ hội của doanh nghiệp khi bước vào kỷ nguyên công nghệ

Theo báo cáo gần đây nhất của Google & Bain Co, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy mô và số lượng giao dịch tăng vọt của nền kinh tế số tạo ra số lượng dữ liệu khổng lồ, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng linh hoạt để lưu trữ, xử lý dữ liệu và công cụ mạnh mẽ để khai thác dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lời giải hàng đầu để giải quyết bài toán này.

Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh tư liệu

Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh tư liệu

Nhiều xu hướng lớn đã thay đổi

Chia sẻ tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" tổ chức ngày 18/10, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thập niên này ở cả thế giới và Việt Nam đang chậm lại. Tăng trưởng khoảng 2,5 - 2,6%, thấp hơn giai đoạn trước là 3,3 - 3,5%. Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điểm đáng ghi nhận khi thu nhập bình quân đầu người trước và sau Covid-19 của Việt Nam nằm trong top 3 phục hồi tốt sau dịch bệnh (cùng với Trung Quốc), với con số đạt khoảng 20%.

Đối với những thách thức với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thách thức từ bên ngoài luôn hiện hữu. Sức chống chịu tổng thể của nền kinh tế ở mức trung bình thấp (xếp thứ 109/130 thế giới và 7/9 ASEAN); mô hình tăng trưởng chưa có nhiều đổi mới; nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực hạn chế. Theo WorldBank, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2022 - 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để phát triển kinh tế xanh, hướng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; thể chế và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số, nhất là AI, chuyển đổi xanh… còn nhiều hạn chế.

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Nhà nước cần hoàn thiện khung chính sách, cơ chế thử nghiệp (sandbox) cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới; quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm; thị trường phái sinh và thị trường tín chỉ carbon.

Mặt khác, có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…; có chính sách, giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ trong bối cảnh mới; ưu tiên thích đáng phát triển AI, an ninh mạng và lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp…

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng đánh giá, thế giới đang đổi thay mạnh mẽ cùng nhiều xu hướng lớn, một thế giới của tư duy mới về phát triển như từ "tăng trưởng kinh tế" sang "phát triển bền vững, bao trùm"; từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh"; từ "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn"…

TS. Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm cơ hội; chấp nhận cạnh tranh cùng kết nối với đối tác giỏi nhằm học hỏi và chia sẻ; chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0; đối thoại và ứng xử theo luật (đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi); huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo. Đồng hành cùng Chính phủ để nắm bắt chính sách, cải cách; thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường; quản trị bất định, rủi ro.

AI mang tới cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Chia sẻ về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp từ cách mạng công nghệ 4.0, ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho biết, để phát triển AI, việc đầu tư nghiên cứu và tự chủ về chip bán dẫn là một "vấn đề nóng" giữa các quốc gia. Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, dự báo năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến khoảng 74 tỷ USD. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có thể chiếm khoảng 17% cơ hội phát triển kinh tế mà các công nghệ số mang lại.

Dù vậy, AI cũng mang đến một số thách thức cho nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp, như: Sự biến mất hoặc suy giảm mạnh của nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh; AI sẽ thay thế rất nhiều lập trình viên, giáo viên, diễn viên, nhân viên marketing, kỹ sư, tổng đài viên…; sự cạnh tranh gay gắt theo mức độ ứng dụng AI trong sản phẩm, dịch vụ.

“Không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia, nền kinh tế cũng như cho mỗi doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Vì vậy, cần nắm được xu hướng mất đi hoặc hình thành ngành, lĩnh vực mới do AI tác động; cần xác định những khâu, quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành; lan tỏa lợi ích AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp, người dân, khu vực công...” - ông Đỗ Tiến Thịnh nói.

AI có thể giúp 35% doanh nghiệp tăng tối thiểu 5% doanh thu

Theo báo cáo của Tập đoàn công nghệ IBM, AI giúp 35% doanh nghiệp tăng tối thiểu 5% doanh thu, có những đơn vị chạm mốc 20%. AI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn tốc độ ra quyết định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt có thể đạt được những bước nhảy vọt về năng suất lao động để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-cua-doanh-nghiep-khi-buoc-vao-ky-nguyen-cong-nghe-162068.html