Cơ hội của Việt Nam trước làn sóng AI
Chat GPT như ngọn lửa làm bùng lên xu hướng AI trên toàn cầu và Việt Nam được nhận định là sẽ đón nhận nhiều cơ hội mới từ xu hướng này.
Cơn sốt mang tên Chat GPT
“Chúng ta từng lo lắng về việc đứa trẻ xem tivi quá nhiều, không đọc sách rồi dùng thiết bị di động nhiều, không xem tivi nữa. Giờ đây, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) lại thêm nỗi lo trẻ em sẽ nói chuyện với AI quá nhiều mà không nói chuyện với bố mẹ. Nỗi lo luôn còn bởi chỉ thay nỗi lo này bằng nỗi lo khác. Trong 5 năm tới, sẽ có nhiều kiểu giao tiếp mới, nhưng đặc tính của loài người là thích nghi rất nhanh”, ông Đinh Trần Tuấn Linh, Giám đốc AIDA – một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) chia sẻ.
Ông Đinh Trần Tuấn Linh nói rằng với những người làm AI ứng dụng, công nghệ AI phát triển quá nhanh, khó đoán định theo tuần, theo tháng chứ không thể dự báo dài hơi hơn.
Năm 2023, sự xuất hiện của Chat GPT khiến cả thế giới ngỡ ngàng bởi sự gần gũi với cuộc sống con người. Ông Lê Công Thành, Giám đốc Công ty công nghệ InfoRe Technology cho biết, AI đã xuất hiện ít nhất 20 năm trước trong hệ thống cỡ lớn trên internet.
Hằng ngày chúng ta dùng AI khi dùng internet, nhưng không nhận ra như trên các nền tảng YouTube, Google, Facebook... Đó là dạng dùng AI bị động, chỉ tương tác với kết quả do AI gợi ý. Một năm gần đây, với sự xuất hiện của Chat GPT người dùng đã chủ động điều khiển AI.
AI sẽ làm nhiều ngành nghề mới sinh ra
Kiến trúc sư Lý Phương cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, cô đã thử mày mò, nghiên cứu, ứng dụng một số công cụ AI vào công việc. Trong đó, Midjourney được cô sử dụng nhằm lên ý tưởng, còn Chat GPT đóng vai trò trợ lý ảo hỗ trợ việc tra cứu.
Sau một thời gian sử dụng, Lý Phương cho rằng, Chat GPT đóng vai trò hỗ trợ khá đắc lực. “Khi cần tìm hiểu về hệ thống máy nước nóng để lắp đặt cho công trình, tôi có thể hỏi Chat GPT. Công cụ này sẽ tổng hợp thông tin về các hệ thống máy nước nóng khác nhau, ưu và nhược điểm cũng như giá cả của từng công nghệ. Nếu tự tổng hợp, tôi có thể mất vài tiếng, trong khi chỉ vài phút Chat GPT đã cho ra câu trả lời”, cô nói.
Với Midjourney, nữ kiến trúc sư cho hay, công cụ sẽ vẽ hình ảnh công trình dựa trên miêu tả đầu vào dưới dạng text. AI giúp tạo ra ngay một vài hình ảnh trực quan từ những yêu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, có thể hỗ trợ trong việc lên ý tưởng cho sản phẩm.
Chia sẻ về làn sóng AI tác động đến các ngành nghề tại Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC cho hay, đây là quy luật tất yếu của sự phát triển. Khi ứng dụng công nghệ mới sẽ cải thiện năng suất, thay đổi phương thức lao động khiến một số ngành nghề mất đi. Chúng ta từng chứng kiến xe ngựa, tàu hỏa, báo giấy dần giảm và có thể biến mất. Cũng sẽ xuất hiện ngành nghề mới như taxi công nghệ, Airbnb. Chat GPT cũng tương tự và sẽ tác động đến các ngành nghề.
Tại Việt Nam, ngành nghề mới có thể được sinh ra như dán nhãn, hiệu chỉnh, xác thực dữ liệu; kỹ năng, kinh nghiệm đặt câu hỏi prompt lời nhắc để trả lời, khai thác chính xác, hiệu quả, tư vấn sử dụng AI. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, trước mắt những công cụ như Chat GPT mới bổ trợ, chưa thay thế được công việc của con người.
Dưới góc nhìn của người chuyên ứng dụng AI, ông Đinh Trần Tuấn Linh nhìn nhận, những ngành dễ bị thay thế nhất là sáng tạo nội dung, lập trình, quảng cáo. Một số ngành khác khó bị tác động hơn như luật, giáo dục, y tế... bởi những ngành này có thái độ cẩn trọng với ứng dụng AI.
Ông Linh chia sẻ tiếp, người lao động hiện đại có hai điều cần lưu ý trước làn sóng AI. Đầu tiên cần xem vị trí công việc có ở trong ngành dễ bị thay thế và công việc có phải lặp đi lặp lại không. Chẳng hạn trong tòa soạn có nhiều người làm việc đều đặn như tổng hợp tin tức từ hôm trước, có hàm lượng chất xám thấp sẽ dễ bị AI thay thế. Nhưng những người làm nội dung như phải đưa ra quan điểm, hoặc thông tin từ địa phương thì AI chưa làm được, hoặc nội dung AI tạo ra chỉ ở mức trung bình.
Việt Nam đang có cơ hội trước làn sóng AI
Rất nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam sẽ tận dụng thế nào trước làn sóng AI toàn cầu? Theo ông Lê Công Thành, Việt Nam có hai thứ mạnh là tài nguyên và con người. Cụ thể, 80% người Việt Nam đã có smartphone kết nối internet. Đó là những công cụ số hóa dữ liệu hàng loạt. Với con số này Việt Nam đứng khoảng top 15 thế giới về số hóa cuộc sống. Mỗi ngày tạo ra dòng chảy dữ liệu cực lớn. Vấn đề là chúng ta sinh ra nhiều dữ liệu nhưng vẫn ở dạng tiềm năng chứ chưa khai thác được.
Ông Thành phân tích tiếp, 80 triệu người dùng internet chính là công cụ số. Vì thế, Việt Nam có cơ hội lớn bắt nhịp với những công nghệ AI hiện đại để nâng cao năng lực lao động.
“Thế mạnh của Việt Nam không nằm ở chế tạo mà là ứng dụng. Tận dụng được sức mạnh của AI hiện đại chúng ta có thể tạo nên đột phá. Một năm vừa qua cũng là thời gian người lao động nước ngoài bắt nhịp với Chat GPT. Trước đây, chỉ có nhân viên của doanh nghiệp công nghệ siêu lớn mới dùng như một vũ khí bí mật. Ngày nay, chỉ cần một điện thoại thông minh 1 triệu đồng đã có thể giao tiếp với AI mạnh nhất thế giới. Lợi thế của Việt Nam khi ứng dụng AI là rất lớn”, ông Thành nói.
Ông Lê Công Thành đưa ra mô hình “xăng - xe - tài xế”. Trong đó, xăng là dữ liệu, xe là hệ thống AI hiện đại, tài xế là người dân học kỹ năng điều khiển AI. Có những chiến lược riêng của Việt Nam, không giống các quốc gia khác. Chúng ta có cơ hội xuất khẩu tri thức. Việt Nam nên cập nhật công nghệ của các quốc gia phát triển tạo ra, đồng thời học sử dụng nó.
Ông Thành phân tích, phát triển AI sẽ xoay quanh ba trụ cột tài nguyên, công cụ, con người. Việc phát triển công cụ bậc cao rất khó cạnh tranh nên chúng ta có thể tạm lùi và hãy tìm cách ứng dụng AI từ những bước đơn giản. Về tài nguyên, chúng ta có tài nguyên con người rất mạnh nên có thể tối ưu. Ngày càng nhiều người có ý thức về mặt tích lũy dữ liệu, chọn lọc thông tin, khai phá tri thức. Trong tương lai, người Việt Nam dần có ý thức tích lũy dữ liệu cá nhân nhiều hơn. Sau Nghị định 13, mọi người nhận ra bảo vệ dữ liệu cá nhân rất có giá trị, từ dữ liệu cá nhân có thể tạo ra tri thức. Như vậy, Việt Nam có thể tối ưu dữ liệu và kỹ năng số.
Việt Nam đang đứng trước thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển AI. Trong đó, thiên thời là thời đại AI đột phá bùng nổ, trong tay từng cá nhân. Địa lợi là dữ liệu, chưa tích lũy nhiều nhưng xã hội Việt Nam sẽ sản sinh ra dữ liệu rất lớn qua công cụ số. Nhân hòa là học cách sử dụng, không chỉ Chat GPT mà cả công cụ khác.
Theo ông Đặng Minh Tuấn, trong thế giới phẳng, khoảng cách trình độ và mức độ sử dụng, cập nhật công nghệ giữa Việt Nam và thế giới không xa. Việt Nam cũng có cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp vào nền tảng công nghệ mới, có những kỹ sư, nhà nghiên cứu làm việc ở Google, Facebook... Về mặt bằng, Việt Nam chưa thể so sánh được với những nước phát triển, nhưng ông Tuấn tin tưởng với sự ủng hộ, chủ trương chính sách của nhà nước, không chỉ AI mà công nghệ mới cũng sẽ cất cánh ở nơi đây.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-hoi-cua-viet-nam-truoc-lan-song-ai-2241400.html