Cơ hội cuối cùng để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 28 địa phương có biển trên cả nước được tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, qua đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10-2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhằm gỡ 'thẻ vàng'.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ bị “thẻ đỏ” là rất cao. EC sẽ tiếp tục thanh tra một lần nữa vào tháng 4-2024 nhằm đưa ra kết luận cuối cùng.

Từ nay đến tháng 4-2024 chỉ còn khoảng 4 tháng. Thời gian không nhiều, thế nên không thể “bình bình” mà phải hành động gấp, hành động quyết liệt, bởi đây là cơ hội cuối cùng để nước ta gỡ “thẻ vàng” IUU!

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 11 tỷ USD, con số này trong 11 tháng năm 2023 là 8,27 tỷ USD. Không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”, đây còn là sinh kế, là miếng cơm manh áo của hàng triệu lao động.

 Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững. Ảnh: TTXVN

Nếu bị “thẻ đỏ” IUU, Việt Nam sẽ không được xuất khẩu thủy sản sang châu Âu-một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực. Nhiều thị trường chủ lực, quan trọng khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng có thể áp dụng các quy định tương tự, bởi vậy thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn, chưa kể còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc gỡ “thẻ vàng” IUU, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và thu được những kết quả khả quan. Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm mới có thể đáp ứng được các yêu cầu mà EC đặt ra.

Theo đánh giá của EC, tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý tàu cá, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, xử lý vi phạm IUU chưa nghiêm; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa bảo đảm đầy đủ tính hợp pháp, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát...

Việc gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời điểm hiện nay cần được các bộ, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương có biển xác định là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để từ đó tập trung thời gian, nguồn lực, có những chủ trương, giải pháp sát đúng, triển khai khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả. Trong đó một số nội dung quan trọng là kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đi đôi với duy trì thực hiện nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, gắn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ...

Mặt khác, điều không thể thiếu là nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi ngư dân. Hàng trăm nghìn ngư dân khai thác trên biển, nếu không tự giác chấp hành pháp luật thì không ai, không lực lượng nào có thể quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ. Phải hiểu rằng, nếu tiếp tục vi phạm khai thác IUU, ngư dân không chỉ làm ảnh hưởng đến quốc gia mà còn tự làm khó với chính“nồi cơm” của mình.

PHƯƠNG HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/co-hoi-cuoi-cung-de-go-the-vang-iuu-756345