Cơ hội đang rõ ràng hơn với ngành tôm
Sau những thuận lợi về các hiệp định thương mại tự do, mà đặc biệt là 2 hiệp định thế hệ mới là EVFTA và CPTPP, ngành tôm Việt Nam tiếp tục có thêm cơ hội để mở rộng và cải thiện cơ cấu thị trường khi ngày 21-8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố thuế suất tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ ở đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) cho hai bị đơn bắt buộc và khoảng 30 doanh nghiệp tôm còn lại đều bằng 0%.
Trong bối cảnh giá tôm thấp trong 6 tháng đầu năm thì mức thuế trên thật sự là một tin vui cho ngành tôm, là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành tôm và cũng là cơ hội để cải thiện cơ cấu thị trường cho con tôm Việt Nam. Với mức thuế suất 0%, theo các doanh nghiệp, chắc chắn sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong những tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng đáng kể. Dù có thêm lợi thế về thuế suất ở Hoa Kỳ, nhưng theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp cũng không được chủ quan, mà cần quan tâm nhiều hơn đến việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường này và chỉ nên gia tăng xuất khẩu ở mức độ vừa phải để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, mức thuế mà DOC vừa công bố một lần nữa khẳng định sự trung thực trong hoạt động và khai báo số liệu kinh doanh tới DOC đầy đủ, chính xác, kịp thời của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, nó cũng cho thấy sự công tâm, khách quan của DOC trong việc xem xét hồ sơ do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Cũng với phán quyết trên, hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu tôm vào Mỹ sẽ thu lại được tiền đặt cọc 4,58% của giá trị tôm đã xuất vào thị trường này. Ngoài ra, theo thỏa thuận, mức thuế trên còn được tiếp tục duy trì cho đến lần xem xét tiếp theo (POR14), hay nói cách khác là các doanh nghiệp tiếp tục được thu lại tiền đặt cọc biến nó thành nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp mình. Đây là điều rất có ý nghĩa, bởi khi đó, các doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện để chia sẻ với người nuôi tôm về giá thu mua.
Tuy không quá bất ngờ với kết quả trên, bởi vào ngày 9-4, DOC đã công bố mức thuế sơ bộ đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang (hai bị đơn bắt buộc) là 0%, nhưng dẫu sao đây cũng là một tin vui, giúp người nuôi tôm và doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và những thị trường lớn khác. Thực tế cho thấy, sau 6 tháng xuất khẩu tôm tăng trưởng chậm, đến tháng 7 vừa qua, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại tại hầu hết các thị trường chính, như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia... trong đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc có mức tăng đạt đến 2 con số. Các số liệu từ VASEP cho thấy, trong tháng 7, xuất khẩu tôm cả nước đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tăng đã giúp giá tôm nguyên liệu trong nước và cả giá tôm xuất khẩu có chiều hướng tăng trở lại và cùng với đó là nhu cầu thị trường cũng được cải thiện một cách tích cực hơn.
Một thông tin khác cũng cho thấy sẽ tác động tích cực đến giá tôm nguyên liệu trong nước cũng như giá xuất khẩu đó là dự báo sản lượng tôm của Ấn Độ năm nay sẽ giảm do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh, còn Argentina cũng đã công bố giảm sản lượng tôm đánh bắt do sinh khối tôm tại ngư trường khai thác có dấu hiệu giảm. Đây cũng chính là 2 nguồn cung tôm lớn cho thị trường Trung Quốc, nên một khi nguồn cung trên sụt giảm sẽ tạo điều kiện cho con tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi hơn cả về sản lượng lẫn giá cả. Riêng thị trường Mỹ, VASEP cũng cho biết, lượng tôm tồn kho cũng đang giảm mạnh, trong khi đó, Mỹ lại đang giảm nhập tôm từ Ấn Độ, Thái Lan và đặc biệt là Trung Quốc. Cùng với đó là mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào thị trường này là 0% sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp tôm Việt Nam từ nay đến cuối năm 2019.
Điểm qua một vài thông tin trên đã thấy, từ đầu tháng 9 trở đi, cơ hội cho con tôm Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu vào các thị trường lớn là rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với giá tôm nguyên liệu trong nước có thể sẽ tăng mạnh trở lại bởi số diện tích đang còn tôm ở vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước là ĐBSCL hiện không còn nhiều, trong khi miền Bắc và miền Trung thời tiết ngày càng khó khăn hơn cho việc thả nuôi. Như vậy, sau hơn nửa năm chờ đợi và hy vọng, cuối cùng cơ hội cũng đến với vụ tôm nước lợ năm 2019 dù có hơi muộn màng đôi chút.