Cơ hội để hàng không 'chắp cánh'

Với bản ghi nhớ về việc mua 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX giá trị 10 tỷ USD của Tập đoàn Boeing, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, bước đi chiến lược phát triển đội bay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trên các đường bay nội địa và khu vực trên thế giới.

Bước đi chiến lược dài hạn

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, đội máy bay của Vietnam Airlines hiện tại có 100 chiếc, trong đó gồm 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế, kết nối các thành phố lớn của thế giới với các điểm du lịch hấp dẫn tại Việt Nam.

Vietnam Airlines đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2035, trong đó đầu tư máy bay là dự án trọng điểm. Nguồn: ITN

Vietnam Airlines đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2035, trong đó đầu tư máy bay là dự án trọng điểm. Nguồn: ITN

Với nhu cầu dòng máy bay thân hẹp, Vietnam Airlines cần bổ sung khoảng 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay đến năm 2035, trong đó có phương án xem xét khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX có cấu hình từ 150 - 230 ghế.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, hãng đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2035, trong đó đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Hãng hàng không Quốc gia bảo đảm đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.

"Dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á đồng thời giúp hãng hoàn thiện đội máy bay hiện đại, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu" - ông Hòa nói.

Khẳng định Hợp tác giữa Vietnam Airlines và Tập đoàn Boeing có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam và hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ nâng mối quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, người đứng đầu Vietnam Airlines cho rằng, dự án mua 50 máy bay mới này là bước đi chiến lược dài hạn và chớp thời cơ phát triển đội máy bay.

Đánh giá Đông Nam Á là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, trong đó tốc độ phát triển thị phần hàng không Việt Nam vẫn trên đà phục hồi và sẽ sớm quay trở lại tăng trưởng 2 con số như trước dịch Covid-19 (năm 2019), theo ông Brad McMullen, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng máy bay thương mại của Tập đoàn Boeing, dòng máy bay 737 MAX là lựa chọn phù hợp để Vietnam Airlines đạt tầm bay đến 3.500 hải lý (6.480km) nhằm phục vụ các đường bay quốc tế và khu vực ngày càng đông hành khách.

"Thời điểm nhận máy bay Boeing 737 MAX trong giai đoạn 2027 - 2030. Ngay sau lễ ký biên bản ghi nhớ, Vietnam Airlines và Boeing sẽ bắt tay triển khai các công việc cụ thể, trong đó có việc thu xếp nguồn vốn thực hiện hợp đồng" - ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết.

Mở cơ hội phát triển công nghiệp hàng không

Tổng Giám đốc Vietnam Airines Lê Hồng Hà cho biết, ngay từ những năm 2015 - 2016, hãng đã khai thác máy bay Airbus A350 và Boeing 787-9, sau đó có cả Boeing 787-10. Vietnam Airlines đã có kinh nghiệm trong việc khai thác nhiều dòng máy bay khác nhau, trong đó có các thế hệ tàu bay mới nhất của Boeing và Airbus.

“Với năng lực trình độ của kỹ thuật, kỹ sư của Vietnam Airlines thì việc bảo dưỡng, sửa chữa sẽ không có khó khăn. Nếu có thể bổ sung Boeing 737 MAX vào đội máy bay, Vietnam Airlines sẽ có cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ của một thế hệ máy bay mới, tổ chức cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa không chỉ riêng Vietnam Airlines mà cho cả ngành kỹ thuật hàng không trong khu vực khi sân bay Long Thành hoàn thiện, đưa vào khai thác vào năm 2025", ông Hà bày tỏ sự kỳ vọng.

Mặt khác, trong chiến lược phát triển giai đoạn đến 2030, Vietnam Airlines sẽ ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, nhằm bảo đảm cung ứng dịch vụ đồng bộ cho hoạt động vận tải hàng không của Tổng công ty cũng như các hãng hàng không khác trong khu vực.

Trong đó, các dịch vụ gồm cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không. Hãng cũng xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

"Dự án mua 50 máy bay Boeing 737 MAX sẽ dần loại biên những tàu bay có "tuổi đời" cao và là tiền đề, tạo cơ sở cho Vietnam Airlines "chắp cánh" cho sự phát triển của ngành hàng không, tạo hệ sinh thái đồng bộ các dịch vụ của Hãng và mở ra không gian phát triển mới cho liên vùng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới và các khu vực lân cận" - lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Nếu dự án này phát triển đội tàu bay thân hẹp và đề án đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Vietnam Airlines tại Long Thành sớm được các cấp có thẩm quyền phê chuẩn triển khai sẽ góp phần rất lớn vào việc hiện thực hóa mục tiêu biến Long Thành và Việt Nam thành điểm trung chuyển hành khách và hàng hóa ở khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, thương vụ này nếu thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho 2 quốc gia như hỗ trợ tạo ra 33.000 việc làm cho Hoa Kỳ; với Việt Nam, thỏa thuận này sẽ giúp cung cấp đội máy bay hiện đại, phục vụ cho phát triển du lịch và hàng không với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không hàng đầu khu vực.

Bảo Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/co-hoi-de-hang-khong-chap-canh-i342928/