Cơ hội để huyện Ứng Hòa quảng bá các tiềm năng và thế mạnh…

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương, sự kiên cũng là cơ hội tuyệt vời để chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa quảng bá các tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương đến với du khách.

Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023:

Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 tại huyện Ứng Hòa sẽ diễn ra đến hết ngày 25/7/2023. Ảnh: Thùy Linh

Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 tại huyện Ứng Hòa sẽ diễn ra đến hết ngày 25/7/2023. Ảnh: Thùy Linh

Đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm

Tối 21/7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức Chương trình “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” tại huyện Ứng Hòa.

Theo Ban tổ chức, Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023 là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tổ chức Chương trình "Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023" đã được tổ chức thành công tại huyện Đông Anh (nhân dịp lễ 30/4-1/5), huyện Ba Vì (từ ngày 6-9/7/2023) và tiếp tục diễn ra tại các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng trong thời gian tới.

Chương trình với quy mô 120 gian hàng của 108 doanh nghiệp và gần 1.000 dòng sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống của huyện Ứng Hòa, của TP Hà Nội và 15 tỉnh, TP trong cả nước.

Toàn bộ không gian Festival được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng hoàn toàn trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động trong thời gian diễn ra Festival.

Trong các ngày diễn ra Festival, nhiều hoạt động bên lề phong phú được tổ chức để người dân trải nghiệm, dùng thử và tham gia. Đó là hoạt động kết nối tiêu thụ, trưng bày giới thiệu sản phẩm; trải nghiệm làm sản phẩm OCOP tại chỗ như đan nón, nặn tò he của các nghệ nhân,...; các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa địa phương; giới thiệu ẩm thực, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng...

Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Ánh Dương cho biết, sự kiện sẽ là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương, góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống, không gian cộng đồng làng quê và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên; đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phươn, gìn giữ các nét truyền thống văn hóa, du lịch của địa phương.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và các tỉnh, TP.

Cơ hội quảng bá các tiềm năng và thế mạnh của địa phương

Theo ông Nguyễn Ánh Dương, sự kiên cũng là cơ hội tuyệt vời để chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa quảng bá các tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương đến với du khách. Tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của quê hương trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng huyện Ứng Hòa ngày càng phát triển.

Theo UBND huyện Ứng Hòa, thế mạnh của huyện Ứng Hòa là phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên để phát triển nền nông nghiệp hơn nữa, huyện phải thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng "Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm".

Tham dự chương trình lần này, huyện Ứng Hòa có 38 gian hàng trưng bày 36 sản phẩm OCOP cùng các không gian văn hóa. Sự kiện là sự động viên, khích lệ rất kịp thời để thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, sản xuất và du lịch trên địa bàn huyện nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Là sự kết nối với các tỉnh lân cận trong cả nước nhằm góp phần mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và làng nghề kịp thời nắm bắt các cơ hội để giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm…

Festival cũng là dịp để nhân dân trong huyện và các vùng lân cận có cơ hội giao lưu, thăm quan, mua sắm các sản phẩm, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.

Tối 6/7 vừa qua, tại thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch (HPA) phối hợp với UBND huyện Ba Vì khai mạc “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023”. Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội năm 2023.

Chương trình với quy mô khoảng 100 gian hàng, với gần 1000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Ba Vì, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội và 23 tỉnh, TP trong cả nước. Sự kiện cũng diễn ra rất nhiều nội dung, hoạt động phong phú để người dân trải nghiệm, dùng thử và tham gia như: Hoạt động kết nối tiêu thụ, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống. Trải nghiệm làm sản phẩm OCOP tại chỗ gồm: Đan nón, nặn tò he của các nghệ nhân, các mô hình du lịch sinh thái nổi tiếng trên địa bàn huyện Ba Vì. Các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa địa phương. Giới thiệu ẩm thực quà quê, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng.

Tuyết Nhi

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-hoi-de-huyen-ung-hoa-quang-ba-cac-tiem-nang-va-the-manh-345182.html