Cơ hội để nhà sản xuất tiếp cận với kênh phân phối hiện đại
Sự kiện 'Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp' tại TP.HCM năm 2019 (diễn ra tại quận Bình Tân, TP.HCM) do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với siêu thị Big C An Lạc thuộc hệ thống bán lẻ của Central Retail Việt Nam tổ chức vừa qua đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong tỉnh.
Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại TP.Hồ Chí Minh 2019
Sự kiện này vừa kết thúc nhưng đã mở ra cơ hội cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh tiếp cận với người tiêu dùng TP.HCM và các kênh phân phối hiện đại, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Là DN trẻ của Đồng Tháp lần đầu tham gia chương trình xúc tiến thương mại lớn do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty CP Tinh bột xanh (TP.Sa Đéc) chia sẻ: “Qua tuần hàng đặc sản, DN có cơ hội cọ xát, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng dành cho sản phẩm ống hút gạo của công ty. Theo đó, khách hàng tại TP.HCM đánh giá rất cao về tính năng của ống hút gạo, tuy vậy người tiêu dùng mong muốn giá thành của sản phẩm có thể giảm xuống để có thể thay thế hoàn toàn ống hút nhựa tại gia đình. Đây là một trong nhiều góp ý hay mà công ty chúng tôi ghi nhận được tại sự kiện này. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Công ty CP Tinh bột xanh sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến máy móc, ứng dụng tự động hóa nhiều hơn ở các công đoạn để góp phần hạ giá thành sản xuất”.
Ngoài việc được tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hóa tại siêu thị Big C An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM, nhiều mặt hàng nông sản tươi sống và chế biến của HTX, DN của tỉnh còn được siêu thị Big C ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhận định về chất lượng hàng nông sản và chế biến của tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc thu mua khu vực phía Nam, siêu thị Big C cho biết: “Sau các chuyến đi khảo sát tại những vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy địa phương có nhiều loại nông sản chất lượng rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng của Big C. Tuy nhiên, do vẫn còn quen với cách làm ăn truyền thống nên nhiều nông dân vẫn chưa tự tin liên kết với siêu thị. Để giúp nông dân hiểu rõ hơn về các yêu cầu khi đưa hàng hóa vào siêu thị, thông qua chương trình này, Big C đã mở các lớp tập huấn để người nông dân quen dần với việc sản xuất và phân phối theo kênh hiện đại. Từ đó, góp phần mang lại giá trị gia tăng cho nông dân và nhà sản xuất”.
Có thể nói, việc đưa hàng nông sản và đặc sản của địa phương tiếp cận với kênh tiêu dùng hiện đại là cơ hội giúp cho những nhà sản xuất của tỉnh “vươn mình ra biển lớn”. Từ đó, giúp cho các đơn vị xây dựng chiến lược kinh doanh, hoàn thiện quy trình sản xuất để từng bước đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính trong nước và quốc tế. Đặc biệt, đối với các HTX, tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp thì đây còn là dịp người nông dân nhìn lại quy trình canh tác của mình để có những thay đổi phù hợp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại kênh phân phối hiện đại. Đồng thời lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với những mặt hàng nông sản nội địa.
Là một trong những THT đầu tiên đưa được nhiều mặt hàng trái cây của huyện Cao Lãnh vào được hệ thống phân phối của siêu thị Big C, ông Nguyễn Hữu Minh - Tổ trưởng THT ổi Minh Thọ, xã Mỹ Hiệp chia sẻ: “Từ ngày “làm ăn” với siêu thị Big C, hoạt động sản xuất của các thành viên ngày một chuyên nghiệp hơn. Với hướng đi sản xuất nông sản sạch và an toàn, ổi của THT không chỉ được tiêu thụ tại siêu thị Big C mà THT ổi Minh Thọ còn là nhà cung cấp cho nhiều siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện đại khác. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, THT cung cấp cho các siêu thị trên 150 tấn ổi. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp người nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất”.