Cơ hội để nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu

Sáng 19-9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Nông nghiệp bền vững Việt Nam-Châu Âu: 'Nông nghiệp 4.0: Tiềm năng tiếp cận thị trường châu Âu'. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng tổ chức.

Diễn đàn nhằm thảo luận về các chính sách, giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam; những thách thức mà các nhà xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt và các giải pháp kỹ thuật giúp cho các sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu có thể truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận và đảm bảo an toàn từ Việt Nam sang châu Âu. Sự kiện sẽ kết nối các nhà hoạch định chính sách, người nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam với các công ty hàng đầu châu Âu thông qua những tham luận về chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp cho nông nghiệp tiên tiến.

 Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Theo số liệu năm 2018 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam chiếm gần 38% tổng dân số lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông-lâm-ngư nghiệp của Việt Nam đạt hơn 26 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản để đáp ứng các quy định quốc tế nghiêm ngặt, đặc biệt là về công nghệ mới để có thể đạt được tiềm năng tối đa về thị trường và giá cả. Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất tại các thị trường ở EU nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bởi thuế giảm sẽ làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh xuất khẩu. Để đạt được điều này, điều quan trọng là phải nắm bắt các công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và có thể truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các thị trường tiêu dùng đòi hỏi cao như thị trường EU.

 Khu trưng bày các sản phẩm thiết bị máy móc công nghệ cao trong nông nghiệp.

Khu trưng bày các sản phẩm thiết bị máy móc công nghệ cao trong nông nghiệp.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày các tham luận chia sẻ về định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Chính phủ Việt Nam, kế hoạch hành động trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh; hiện trạng xuất khẩu nông sản sang châu Âu của Việt Nam và góc nhìn từ EU về các cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam từ việc thực thi EVFTA… Các đại biểu cũng tham gia thảo luận chuyên sâu để xác định các lợi thế từ cơ hội hợp tác song phương và đánh giá những trở ngại ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản từ Việt Nam vào EU trong bối cảnh EVFTA đã được ký kết; thúc đẩy quá trình số hóa và áp dụng các công nghệ mới trong ngành nông nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện EuroCham, ông Ywert Visser cho hay, nông nghiệp là ngành kinh tế được hưởng nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định EVFTA. Bởi lẽ, việc giảm hơn 90% các chủng loại thuế trong thời gian tới đây sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn và có tiêu chuẩn cao như châu Âu. Liên minh châu Âu có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm, vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau để học hỏi và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận là điều cần thiết.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/co-hoi-de-nong-nghiep-viet-nam-tiep-can-thi-truong-chau-au-591471