Cơ hội để Philippines thiết lập lại quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Ngày 9/5, cử tri Philippines sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhiều nhà phân tích đánh giá rằng, đây là cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này thiết lập lại quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Điều này được phản ánh qua hai ứng cử viên hàng đầu là Ferdinand Marcos Jr. và Phó Tổng thống Leni Robredo.
Tạo sự phân nhánh vượt ra ngoài lãnh thổ
Đối với Mỹ, mối quan hệ gần gũi với Philippines đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Washington tại khu vực nhằm đối trọng với Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, Philippines cáo buộc Trung Quốc uy hiếp các tàu tuần duyên và trấn áp các tàu đánh cá của nước này. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong khu vực mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn”.
Nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) nhận định: “Philippines có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong nước nhưng họ cũng tiếp tục mở rộng các hoạt động ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ chắc chắn sẽ đầu tư nỗ lực đáng kể để gắn kết với nhà lãnh đạo Philippines đơn giản vì lý do chiến lược”.
Manila từ lâu đã tìm cách cân bằng mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh. Bất kỳ tổng thống nào lên nắm quyền sẽ cần điều hướng mối quan hệ với cả hai cường quốc này. Ứng cử viên Ferdinand Marcos Jr. trong nhiều năm đã kêu gọi Philippines giải quyết song phương với Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Trong những tháng gần đây, ông còn gặp gỡ với Đại sứ Trung Quốc tại Manila, ông Huang Xilian. Đại sứ Huang Xilian trong tháng 10/2021 phát biểu rằng việc được gặp ông Ferdinand Marcos Jr. là “vinh dự lớn” với tư cách là những người ủng hộ quan hệ Trung Quốc - Philippines. Ông nói: “Cùng với nhau, chúng ta đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn”.
Giáo sư Richard Heydarian tại Đại học Bách khoa Philippines nhận định mức độ thân thiết với Trung Quốc của ông Ferdinand Marcos Jr. có khả năng bị hạn chế bởi công chúng Philippines vốn muốn đường lối thực dụng nhưng vững chắc hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá vẫn chưa rõ liệu ông Ferdinand Marcos Jr. có hướng đến gần gũi với Trung Quốc hơn nếu đắc cử hay không bởi vẫn thiếu chi tiết về chính sách đối ngoại của ứng cử viên này hoặc thông tin về người sẽ phụ trách vấn đề ngoại giao cho ông.
Về mối quan hệ của ông Ferdinand Marcos Jr. với Mỹ, có một rào cản là một vụ kiện nhân quyền ở Mỹ đòi bồi thường cho các nạn nhân trong chế độ của cha ông là cựu Tổng thống Philippines từ 1965 đến 1986 Ferdinand Marcos. Ứng cử viên này gần đây miêu tả mối quan hệ với Mỹ là “đặc biệt”. Ông Aries Arugay tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) đánh giá: “Cũng giống như bất kỳ Tổng thống Philippines nào khác, nếu giành chiến thắng, ông Ferdinand Marcos Jr. cũng sẽ cố gắng tiếp cận Mỹ, bởi vì bất cứ điều gì xảy ra, tổng thống mới sẽ có cơ hội tái khởi động”.
Trong khi đó, Giáo sư dự bị Charmaine Misalucha-Willoughby tại Đại học De La Salle (Philippines) cho biết Phó Tổng thống Leni Robredo trong khi đó đã nói rõ trong suốt chiến dịch tranh cử của mình rằng bà sẽ cam kết với Trung Quốc một cách đa phương, dựa vào sức mạnh về số lượng cùng các quốc gia thân thiện “nhằm giúp một nước nhỏ bé như Philippines làm những gì cần thiết để sử dụng phán quyết năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông... hướng tới lợi ích quốc gia”.
Cuộc bầu cử nhiều màu sắc
Các chiến dịch bầu cử tại Philippines có nhiều màu sắc. Chính những sắc màu này xác định lãnh thổ, đồng minh và đối thủ. Màu sắc giúp các chính trị gia khiến các mối quan hệ này trở nên rõ ràng trong suốt cuộc đua bầu cử.
Giáo sư dự bị Oscar T. Serquina, Jr. tại Đại học Philippines Diliman lý giải: “Màu sắc là một cách để xác định các liên kết, liên minh và cả đối kháng”. Một hãng tin Philippines cho biết Phó Tổng thống Leni Robredo đã thu hút tới 200.000 người ủng hộ tại sự kiện ở một tỉnh Tây Bắc Manila vào đầu tháng 4. Với màu hồng, bà thể hiện rời bỏ mối liên kết với chính quyền đảng cũ-Đảng Tự do (LP) vốn có màu vàng đại diện. Bà Robredo nay là ứng cử viên tổng thống độc lập. Bà Robredo cam kết chấm dứt tham nhũng, mang lại nhiều quyền hơn cho phụ nữ cùng quản lý tốt hơn và nỗ lực chấm dứt cái mà nữ chính khách này gọi là văn hóa bạo lực tại Philippines.
Mạng xã hội Philippines đã “bùng nổ với màu hồng” vào tháng 10/2021 khi Phó Tổng thống Leni Robredo tuyên bố tranh cử. Những người ủng hộ bà đã đăng nhiều bức ảnh có yếu tố màu hồng lên mạng xã hội. Họ chọn màu hồng bởi đó là màu biểu tượng của phái yếu. Giáo sư dự bị Charles Ladia tại Đại học Philippines Diliman nhận định: “Màu hồng không thuộc quốc kỳ Philippines như vàng, đỏ, xanh vốn là khía cạnh của chủ nghĩa dân tộc”.
Làn sóng màu hồng đang phải đối đầu với liên minh Ferdinand Marcos Jr. - Sara Duterte - cựu Thị trưởng Davao đồng thời là con gái của Tổng thống Rodrigo Duterte. Họ cùng nhau vận động với màu đỏ và xanh lá cây. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Ferdinand Marcos Jr. và bà Sara Duterte hướng đến việc đưa Philippines ra khỏi khó khăn kinh tế bắt nguồn từ đại dịch. Họ đồng thời cam kết tạo thêm việc làm.
Ông Ferdinand Marcos Jr. chọn màu đỏ đại diện cho chiến dịch tranh cử. Ứng cử viên này giữ ghế Thượng nghị sĩ Philippines trong khoảng thời gian từ 2010-2016 và hiện tại là thành viên đảng PFP. Bà Sara Duterte trong khi đó từ bỏ màu đỏ mà cha bà đã sử dụng trong cuộc bầu cử năm 2016 và thay vào đó chọn màu xanh lá cây.