Cơ hội để tạo môi trường hợp tác tốt nhất
Ngày 12/12, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh Bộ TT&TT tổ chức Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam lần thứ 2. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với ASEAN; có trên 600 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được xếp hạng.
Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước 6 năm liên tiếp (từ 2017 - 2022) giữ vị trí quán quân chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số phản ánh chất lượng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế phát triển.
Thực hiện quan điểm của Chính phủ “mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực”.
Tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này tin rằng cuộc cách mạng AI sẽ mang tính biến đổi nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng nói trên trong 50 năm qua cộng lại.
Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc cách mạng AI và một số quốc gia đã có chiến lược AI quốc gia. Liên hợp quốc và Liên minh viễn thông quốc tế đã xác định AI là lĩnh vực hợp tác quan trọng và đã tổ chức nhiều hội nghị về chủ đề “AI for Good”.
Phát triển của AI mang lại cả cơ hội và thách thức cho tất cả chúng ta. Các quyết định về cách sử dụng và điều chỉnh AI sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của chúng ta. Về vấn đề này, Việt Nam đã chọn chủ đề của Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 2 là “Ứng dụng AI diện hẹp”.
AI diện hẹp là AI chuyên biệt và tập trung. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và đào tạo cho một nhiệm vụ cụ thể hoặc một nhóm nhiệm vụ hẹp. Chúng có hiệu quả cao trong phạm vi được xác định trước. AI diện hẹp cho phép con người tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của AI trong các ứng dụng cụ thể. Nó đưa AI đến với mọi người, mọi nơi, mọi quốc gia ở các mức độ phát triển khác nhau, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI.
Cuộc cách mạng AI đòi hỏi các chính phủ phải phát triển cơ sở hạ tầng AI, lực lượng lao động AI và thiết lập khung pháp lý cho AI. Cuộc cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi và đón nhận sự thay đổi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-hoi-de-tao-moi-truong-hop-tac-tot-nhat.html