Cơ hội đón dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán

VN-Index giằng co cùng thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 1,5 tháng qua sau giai đoạn tăng nóng cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thanh khoản thấp không quá đáng lo, nhịp điều chỉnh là cần thiết để đón dòng tiền mới.

Sau 8 tuần tăng giá liên tiếp, thị trường liên tục giằng co trong biên độ hẹp, nhiều phiên tăng, giảm xen lẫn. Cùng với đó là diễn biến trồi sụt của thanh khoản cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Thanh khoản thấp nhất trong 1,5 tháng

Đáng chú ý, trong phiên 27/3, VN-Index giao dịch giằng co, lực bán dâng cao về cuối phiên khiến chỉ số chính chìm trong “sắc đỏ”. Khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt vỏn vẹn 564 triệu đơn vị, giá trị khớp lệnh sụt giảm mạnh 23% so với phiên trước, về còn 12.740 tỷ đồng và là mức thấp nhất trong 1,5 tháng qua.

VN-Index giằng co cùng thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 1,5 tháng qua sau giai đoạn tăng nóng cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.

VN-Index giằng co cùng thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 1,5 tháng qua sau giai đoạn tăng nóng cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn.

Nhìn lại tuần giao dịch 17-21/3, thị trường ghi nhận sự phân hóa rõ rệt giữa các phiên giao dịch. Mặc dù khởi đầu tuần với sắc xanh tích cực, nhưng lực bán gia tăng dần vào các phiên sau đó đã khiến chỉ số dao động trong biên độ hẹp và chịu áp lực điều chỉnh.

Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index có tuần giảm điểm thứ 2. Mặc dù mức độ giảm là không lớn (-0,32%) nhưng khối lượng khớp lệnh tuần lại sụt giảm khá mạnh so với tuần trước đó (-10,5%), phản ánh sự chững lại của nhà đầu tư. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 859 triệu cổ phiếu (-8,66%), tương đương giá trị 20.063 tỷ đồng (-11,57%).

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 với -3.993 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm là các cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (-1.937 tỷ đồng), TPB (-262 tỷ đồng), SSI (-246 tỷ đồng),...

Diễn biến trồi sụt của thanh khoản diễn ra trong bối cảnh chỉ số chính chật vật và liên tục hụt hơi trước ngưỡng kháng cự mạnh 1.340 điểm.

Thêm vào đó, sau giai đoạn tăng mạnh kể từ đầu năm, nhà đầu tư có phần dè dặt hơn và chờ đợi thêm tín hiệu rõ ràng từ thị trường. Thậm chí, nhiều người chọn đứng ngoài để quan sát thay vì đổ tiền vào ngay.

Mặt khác, khoảng thời gian này, thị trường rơi vào giai đoạn “vùng trống thông tin”. Kết quả kinh doanh quý IV/2024 đã được hé lộ, trong khi báo cáo quý I/2025 chưa công bố (thường vào cuối tháng 4), việc thiếu thông tin tốt từ doanh nghiệp khiến dòng tiền thiếu đi động lực.

Nhận định về việc thanh khoản liên tục sụt giảm, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích tại Chứng khoán Pinetree cho rằng thị trường vẫn đang trong xu hướng tích lũy, tạo nền mới trên vùng 1.300 điểm sau đà tăng mạnh hơn 100 điểm trong 2 tháng qua.

"Cá nhân tôi đánh giá, thanh khoản thấp tại thời điểm này không hẳn là điều tiêu cực. Thị trường giảm với thanh khoản thấp, ngược lại khá lành mạnh, thể hiện áp lực bán không quá lớn. Các nhịp điều chỉnh, tích lũy lại sau quá trình tăng dài là luôn cần thiết", chuyên gia Pinetree nêu quan điểm.

Cơ hội đón dòng tiền mới

Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, có lẽ yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nhất là rủi ro thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump đối với Việt Nam. Quyết định về mức thuế đối với hàng Việt Nam sẽ được Mỹ dự kiến công bố vào ngày 2/4. Khi nút gỡ này được gỡ bỏ, có thể xu hướng thị trường sẽ rõ ràng hơn, và từ đó thanh khoản sẽ được cải thiện.

Ông Nguyễn Đức Khang dự báo chỉ số chính sẽ tiếp tục di chuyển trong biên hẹp với thanh khoản thấp. Trong tháng 4, kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp quay trở lại vùng 1.340-1.350 điểm hoặc thậm chí cao hơn. Tuy vậy, trước đó, nhiều khả năng sẽ có một pha rũ bỏ, chỉ số chính sẽ quay lại lấp “gap” đã tạo ở vùng 1.304 trước khi hồi phục và chinh phục mức đỉnh mới.

Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Đức, Founder CTCP Đầu tư tài chính LCTV chỉ rõ: "Thanh khoản thị trường sẽ sớm trở lại khi các thông tin tiêu cực trên thị trường dần được hấp thụ, dòng tiền sẽ tập trung vào câu chuyện các chính sách vĩ mô ủng hộ như việc Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản trên thị trường, các định hướng chính sách của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay".

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đã duy trì trạng thái “quá mua” trong hơn một tuần, với nhiều nhóm ngành ghi nhận mức tăng mạnh so với đầu năm 2025. Đáng chú ý, các ngành như chứng khoán, đầu tư công, bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp cũng chính là những nhóm được dòng tiền nội quan tâm và đã có sự tăng trưởng tốt về mặt thị giá. Do đó, một nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhằm “hạ nhiệt” là cần thiết để tạo nền tảng thu hút dòng tiền mới.

Các chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh ngắn hạn được xem là cơ hội tích lũy cổ phiếu với giá vốn tốt, đặc biệt ở các nhóm ngành nhiều triển vọng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện và đầu tư công. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư vẫn cần ưu tiên là bảo vệ thành quả, cơ cấu danh mục hợp lý là điều cần thiết nhất trong bối cảnh này.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới và có sự luân chuyển giữa các nhóm ngành. Nửa đầu năm, nhóm chứng khoán được hưởng lợi nhờ thông tin hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin mới KRX. Tiếp đến là nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, nhóm vật liệu, những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có thanh khoản cao trên sàn, đồng thời là những nhóm có nhiều room và các cổ phiếu này thường nằm trong các rổ chỉ số của các hãng nước ngoài.

Còn đến nửa sau năm 2025, dòng tiền có thể sẽ luân chuyển sang các nhóm còn lại, đặc biệt là nhóm ngành có triển vọng về kết quả lợi nhuận tốt trong năm 2025 như bán lẻ hay công nghệ thông tin, logistics hay khu công nghiệp... Những nhóm này gắn với tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/co-hoi-don-dong-tien-moi-vao-thi-truong-chung-khoan-1105778.html