Cơ hội hấp dẫn đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp được tỉnh Bình Phước xác định là ngành kinh tế chủ lực. Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chú trọng nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân khẳng định: Bình Phước có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp trong nông nghiệp. Sự đa dạng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao là thế mạnh của tỉnh như sầu riêng, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, mít, yến sào, dưa lưới... Hầu hết, các sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí, chứng nhận chất lượng OCOP (mỗi xã một sản phẩm), xây dựng mô hình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hệ thống mã số vùng sản xuất.
Bình Phước có quỹ đất nông nghiệp dồi dào với gần 425.000 ha để phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn; trong đó, cây cao su chiếm 26% diện tích cả nước và điều chiếm 50,6% diện tích cả nước, cây hồ tiêu chiếm 10,7% diện tích cả nước. Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn với khoảng 480 trang trại (tỷ lệ trang trại chuồng kín, lạnh chiếm 66%).
Theo ông Phạm Thụy Luân, Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, phê duyệt danh mục dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ, chế biến, gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Dự án phát triển một số vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn một số huyện, thị xã; phát triển cụm ngành điều, cụm ngành chế biến gỗ, cao su, chế biến trái cây... Hình thành 5 vùng cây ăn trái với khoảng 5.000 ha, vùng trồng tiêu với diện tích 3.000ha, diện tích đất cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao khoảng 9.500 ha...
Cùng đó, Bình Phước có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Đồng Xoài, Thanh Lễ, Đồng Phú, Hải Vương và Chơn Thành.
Nhiều sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý “Hạt Điều Bình Phước”, Nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”, Nhãn hiệu tập thể “Gả thả vườn Thanh Lương” và “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”…
Địa phương còn có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP hạng 3 – 5 sao; trong đó, có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với gần 80 chủ thể đăng ký.
Các sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú chủng loại, gồm 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, như: Sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mít ruột đỏ, cam, ổi, mít sấy thăng hoa, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị, chả lụa, bột dế, hạt tiêu... 30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống có cồn như: Rượu chuối hột, rượu sâm bố chính, rượu đông trùng hạ thảo. Đồ uống không cồn như: Cà phê nguyên chất, bột ngũ cốc dinh dưỡng, yến sào tinh chế, mật ong, nước uống đóng chai. Có 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm: mũ, giày, dép (nón) đan len, hoa đan len; hoa khô ngũ sắc để bàn, tranh gỗ nghệ thuật.
Tiến sĩ Huỳnh Thị Mỹ Nương – Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững cũng phân tích, Bình Phước đang có dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất tốt nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp mà không phải địa phương nào cũng có được.
Nông dân đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số, không cần ra đồng ruộng vẫn sản xuất, làm ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường. "Vậy thì tại sao Bình Phước không đẩy mạnh phát triển nông nghiệp số bên cạnh chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo đà bứt tốc cho tăng trưởng xanh theo cam kết giảm phát thải khí nhà kính về 0 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)", bà Nương đặt vấn đề.
Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) – Bình Phước diễn ra đầu tháng 3/2024 vừa qua, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, Bình Phước có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực.
Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Cùng đó, việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp EuroCham không chỉ có thế mạnh về công nghệ mà còn có năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng. Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ giúp Bình Phước thay đổi bộ mặt nông nghiệp theo hướng bền vững mà còn đóng góp tích cực hơn vào kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực tiễn cho thấy, tại Bình Phước, từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40 – 50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh, phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân khẳng định, địa phương luôn xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu. Để từng bước nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.
“Ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường; giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản”, ông Phạm Thụy Luân nhấn mạnh.
Bình Phước đặt mục tiêu chung đến năm 2030 nâng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 10.800 ha; tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng an toàn khoảng 90%; hình thành ít nhất 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 đến 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000 - 2.000ha; phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đối với thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bình Phước cũng đang kêu gọi đầu tư trồng rau, củ, quả, nuôi cấy mô 200 ha tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Phú.
Địa phương cũng thu hút đầu tư các hạng mục như: Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến đồ gỗ, bao bì, chế biến vỏ, ruột xe, nệm cao su… tại các Khu công nghiệp Becamex diện tích 2.450 ha, Minh Hưng – Sikico diện tích 655ha…
Các Cụm công nghiệp Minh Hưng, Nha Bích, Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư các hạng mục như: Chế biến thực phẩm, nước giải khát, tinh dầu từ vỏ điều, hàng thủ công mỹ nghệ, lắp ráp phụ tùng, máy móc, sản xuất tranh đá, tạc tượng, điêu khắc…
Ngoài ra, Bình Phước còn kêu gọi, thu hút đầu tư: Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ, vi sinh dự kiến 56 ha tại huyện Bù Gia Mập và Lộc Ninh; Nhà máy sơ chế, đóng gói, kho lạnh, chế biến trái cây diện tích 54 ha tại các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh; Nhà máy cơ khí, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất nông nghiệp khoảng 1.000 ha tại Bù Gia Mập…
Để thực hiện mục tiêu này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi với 3 ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (lợn, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ tổng thể như quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ…
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được hưởng: Ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư hạ tầng kỹ thuật; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng khu vực cụ thể, ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu.
Tỉnh phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Đồng thời, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước. Trong đó, ngành nông nghiệp Bình Phước tăng 10,25%, cao nhất cả nước, đóng góp 3,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, vượt ngành công nghiệp – xây dựng.