Cơ hội hay bế tắc từ việc Mỹ - Iran nối lại đàm phán
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vấn đề hạt nhân Iran là công việc còn dang dở từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Nối lại đàm phán

Người dân di chuyển trên phố tại Tehran, Iran. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trang Al Jazeera cho biết, Tổng thống Trump nói rằng ông muốn được coi là “người gìn giữ hòa bình”. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông muốn đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, để đảm bảo rằng Tehran không bao giờ chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mỹ, các đồng minh châu Âu và Israel cáo buộc Iran sử dụng chương trình hạt nhân của nước này làm tấm bình phong cho nỗ lực cố gắng phát triển năng lực sản xuất vũ khí. Về phần mình, Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.
Vài ngày sau khi nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống Trump đã khôi phục lại chính sách trước đây của ông là "gây sức ép tối đa" đối với Iran. Vào ngày 4/2, bằng cây bút đặc trưng của mình, ông đã ký một bản ghi nhớ ra lệnh cho Bộ Tài chính áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Iran và xử lý các quốc gia vi phạm quy định hiện hành, đặc biệt là những nước tiếp tục mua dầu từ Tehran.
Đến ngày 7/4, Tổng thống Trump tuyên bố hai bên "đang tiến hành đàm phán" về chương trình hạt nhân của Iran và sẽ tiếp tục vào ngày 12/4 ở cấp độ rất cao. Đến ngày hôm sau, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi xác nhận rằng các cuộc đàm phán cấp cao gián tiếp sẽ được tổ chức tại Oman. Theo truyền thông Iran, Ngoại trưởng Araghchi và Đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff sẽ dẫn đầu phái đoàn mỗi quốc gia.
Căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Iran lại một lần nữa trở thành tâm điểm, khi hai bên chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra vào ngày 12/4 tại thủ đô Muscat của Oman.
Điều Iran và Mỹ muốn

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành cuộc tập trận “Great Prophet 19” tại tỉnh Kermanshah. Ảnh: IRNA/TTXVN
Iran quan tâm đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt để giảm bớt áp lực kinh tế. Điều này sẽ bao gồm đảm bảo rằng Iran có thể tiếp cận Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cũng như đầu tư quốc tế.
Iran yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt rộng rãi hơn so với thời cựu Tổng thống Barack Obama, trong khi ông Trump đe dọa sẽ ném bom Iran nếu họ không đạt được thỏa thuận.
Về phần mình, Mỹ nói rõ rằng họ muốn Iran phải hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân, cộng với việc không tiếp tục hỗ trợ Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen.
Theo BBC (Anh), hiện tại, Tổng thống Trump có vẻ đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận, ông vẫn giữ quyền sử dụng vũ lực – điều có thể dẫn đến những hậu quả tàn khốc. Tổng thống Mỹ cũng đang đặt thời hạn 2 tháng để cả hai bên đồng ý một thỏa thuận.
Lý do chọn Oman
Oman duy trì quan hệ hữu nghị lâu dài với cả Washington và Tehran, và đã nhiều lần đóng vai trò nhà trung gian hòa giải trong thời kỳ khủng hoảng. Đầu năm 2020, sau khi Mỹ ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), căng thẳng Tehran và Washington tăng mạnh. Vào thời điểm đó, Oman đã âm thầm hành động để giảm căng thẳng bằng cách tạo điều kiện cho việc liên lạc bí mật giữa các bên.
Ngoài quan hệ Iran-Mỹ, Oman đã làm trung gian hòa giải nhiều cuộc xung đột khu vực. Nước này đã tiếp phái đoàn Houthi trong nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Yemen và giúp làm trung gian cho lệnh ngừng bắn từ năm 2022. Vào tháng 4/2023, phái đoàn Oman và Saudi Arabia đã đến Sanaa để đàm phán với giới lãnh đạo Houthi. Oman cũng đóng vai trò là cầu nối trong cuộc khủng hoảng Syria, rạn nứt ngoại giao vùng Vịnh và nỗ lực bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Iran.
Thách thức đối với cuộc đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc) ngày 9/4 nhận định, cuộc đàm phán, mặc dù là bước tiến tích cực, nhưng phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Đầu tiên, môi trường khu vực ngày càng rối ren. Xung đột ở Gaza, bất ổn ở Liban và hoạt động vận tải hàng hải bị gián đoạn ở Biển Đỏ đều góp phần tạo nên bối cảnh an ninh khó lường. Bất kỳ điểm nóng nào cũng có thể làm chệch hướng các nỗ lực ngoại giao hoặc dẫn đến leo thang ngoài ý muốn.
Thứ hai, Iran vẫn hoài nghi về ý định của Mỹ. Việc chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đã làm giảm lòng tin. Iran vẫn cảnh giác với việc cam kết thực hiện một tiến trình mà họ lo ngại có thể bị đảo ngược một lần nữa.
Cuối cùng, hai bên không thống nhất về thể thức ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả sự kiện này là đối thoại "trực tiếp", trong khi Iran lại khẳng định đây là đàm phán "gián tiếp", được làm trung gian thông qua các bên thứ ba. Đây là dấu hiệu phản ánh mức độ ngờ vực giữa các bên.
Theo Xinhua, mọi con mắt hiện đổ dồn về Muscat, nơi các cuộc thảo luận sắp tới có thể giúp giảm căng thẳng hoặc phơi bày giới hạn của ngoại giao hiện tại. Trong khi Iran vẫn giữ cánh cửa mở, họ đòi hỏi sự rõ ràng và cam kết.
Hiện tại, quá trình này vẫn còn mong manh, với kết quả phụ thuộc vào cách cả hai bên xử lý những khác biệt chung, nhưng cũng phụ thuộc vào cách họ thích nghi với “dòng chảy hỗn loạn” của địa chính trị Trung Đông.