Cơ hội hợp tác đa phương vì tăng trưởng chung
Diễn đàn Tài chính châu Á lần thứ 17 (AFF), do Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR) và Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) đồng tổ chức. Với chủ đề 'Hợp tác đa phương vì tương lai chung', diễn đàn kéo dài 2 ngày (từ ngày 24.1 - 25.1) đóng vai trò là sự kiện tài chính và kinh doanh lớn đầu tiên trong khu vực của năm 2024.
AFF là diễn đàn thường niên giúp các nhà lãnh đạo tài chính trên toàn thế giới có dịp gặp nhau, để cùng thảo luận về các cơ hội hợp tác và tiến bộ tài chính chung, cũng như đưa ra giải pháp trước các thách thức kinh tế. Diễn đàn nhằm mục đích phân tích các xu hướng kinh tế toàn cầu, khuyến khích sự hợp tác giữa các bên liên quan và xác định các cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Là sự kiện tài chính và kinh doanh quốc tế quy mô lớn đầu tiên của khu vực trong năm nay, AFF 2024 quy tụ hơn 3.000 quan chức tài chính, các tổ chức tài chính và đa phương quốc tế, các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Hong Kong (Trung Quốc) với tư cách là diễn giả. Họ cùng thảo luận các chủ đề nóng như “Cơ hội ở Trung Quốc”, triển vọng đầu tư, tài chính xanh, công nghệ tài chính, quốc tế hóa Nhân dân tệ và phát triển Khu vực vịnh Lớn; đồng thời, phản ánh sức mạnh của Hong Kong với tư cách là trung tâm tài chính quốc tế từ nhiều quan điểm khác nhau. Những chủ đề này giúp mang lại sự khám phá toàn diện hơn về những thách thức và cơ hội hiện tại trên thị trường tài chính châu Á.
Khẳng định vai trò kết nối
Trong bài phát biểu khai mạc, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu cho biết, Hong Kong sẽ đóng vai trò là siêu kết nối, tạo cơ hội cho các công ty châu Á và toàn cầu. Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, cũng như là vị trí trung tâm của một châu Á đang phát triển nhanh chóng, Hong Kong sẽ tiếp tục trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc và tài chính quốc tế.
Đặc khu từ lâu đã là nền tảng niêm yết lớn trên thế giới; trong năm 2023, tổng giá trị thị trường của các công ty niêm yết ở Hong Kong đạt 4.000 tỷ USD. Kết nối giữa Hong Kong và Trung Quốc tiếp tục mở rộng, từ cổ phiếu đến trái phiếu và các công cụ phái sinh. Thành tựu nổi bật này không chỉ khẳng định vai trò cầu nối vốn của Hong Kong giữa đại lục và thị trường tài chính quốc tế, mà còn là thị trường trái phiếu quan trọng.
Trong 7 năm qua, Hong Kong luôn là trung tâm phát hành trái phiếu quốc tế lớn nhất của các thực thể, là trung tâm quản lý tài sản tư nhân số một ở châu Á, đồng thời là trung tâm vốn cổ phần tư nhân lớn thứ hai ở châu lục này với trung tâm quỹ phòng hộ lớn nhất trong khu vực. Khoảng 1/3 bảo hiểm trái phiếu xanh và bền vững của châu Á được phát hành tại Hong Kong.
Phát triển bền vững và toàn diện
Thông qua các sự kiện như phiên họp toàn thể, đối thoại chính sách và thảo luận chuyên đề, AFF đã khai thác các chủ đề từ triển vọng kinh tế toàn cầu đến đầu tư chăm sóc sức khỏe, tạo ra sự hiểu biết toàn diện về bối cảnh tài chính. Việc đưa vào các hội thảo về chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và các cuộc thảo luận về tài chính xanh cho thấy cam kết của AFF trong việc giải quyết các xu hướng và cơ hội thị trường đang phát triển.
Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, Tiến sĩ Peter KN Lam cho biết, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và căng thẳng địa chính trị, để xây dựng một mô hình phát triển bền vững và toàn diện, sự liên lạc và hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia là rất quan trọng.
Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Scott Morris cho biết, các cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hợp tác để huy động nguồn tài chính đa phương cho các hoạt động ứng phó với khí hậu. Theo đó, ngân hàng cam kết tài trợ trực tiếp 100 tỷ USD vào năm 2030 để hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu, đồng thời ngân hàng cũng đang sử dụng vốn tự có để đóng góp thêm 10 tỷ USD mỗi năm cho cùng mục đích.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ là trọng tâm lớn trong thời gian tới, tận dụng vị thế tốt của Hong Kong để dẫn đầu về tài trợ cho phát triển bền vững. Chủ tịch kiêm giám đốc tài chính của tập đoàn China International Capital Corporation (CICC) ông Wu Bo cho biết, việc sở hữu kết cấu hạ tầng và vật chất tiên tiến để phát triển xanh và bền vững, Hong Kong sẽ tiếp tục là cường quốc toàn cầu về đổi mới xanh.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai (DFSA) Ian Johnston nhận định rằng, Hong Kong từ lâu đã là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, thu hút các doanh nghiệp quốc tế nhờ hệ thống luật chung, khung pháp lý mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng tuyệt vời và tư duy cởi mở. Chính vì vậy, Hong Kong và Dubai có tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực tài chính xanh và tài chính kỹ thuật số, khi hai thành phố thúc đẩy phát triển xanh và số hóa.
Các sáng kiến đàm phán của AFF đã nâng cao vai trò của diễn đàn hơn nữa, bằng cách cung cấp một nền tảng cho sự hợp tác quan trọng, giúp kết nối người tham gia với các dự án đầu tư trên toàn thế giới, tạo điều kiện cho các cuộc gặp trực tiếp và khuyến khích sự hợp tác trong các ngành quan trọng khác như fintech, công nghệ môi trường và chăm sóc sức khỏe.
Tập trung vào nền kinh tế thực
Người đứng đầu Cơ quan Quản lý tài chính quốc gia (NFRA) Lý Vân Trạch cho biết, chính sách điều tiết tài chính của Trung Quốc tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế thực và mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ tài chính của đất nước. Trong tình hình mới, việc cải cách cơ cấu phía cung tài chính sẽ là trọng tâm chính, cho phép các tổ chức tài chính cải thiện khả năng thích ứng để phục vụ nền kinh tế thực và ổn định nền kinh tế quốc gia. Chính sách điều tiết tài chính sẽ tập trung vào một số phân khúc nhất định như tài chính công nghệ, tài chính xanh, tài chính toàn diện và tài chính kỹ thuật số.
Trong bước tiếp theo, NFRA sẽ tăng cường toàn diện 5 lĩnh vực giám sát chính là thể chế, hành vi, chức năng, mức độ thâm nhập và giám sát liên tục; đồng thời tiếp tục nâng cao tầm nhìn xa, tính chính xác, hiệu quả và sức mạnh tổng hợp của hoạt động giám sát. Cơ quan này cũng sẽ đẩy nhanh việc xây dựng một cơ chế giám sát, hệ thống giám sát tài chính hiện đại toàn diện và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển tài chính chất lượng cao.
Ông Lý Vân Trạch cho biết thêm, nền kinh tế Trung Quốc đang được cải thiện trong dài hạn, cơ cấu tiếp tục được tối ưu hóa và xu hướng phát triển chất lượng cao sẽ không thay đổi, có thể tiến lên ổn định trong bối cảnh khó khăn và tiếp tục cung cấp một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, theo các diễn giả, Hong Kong với tư cách là trung tâm giao dịch đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài, sẽ ngày càng được nâng cao thông qua các chính sách do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố, nhằm tăng cường quản lý tài sản và kênh đầu tư xuyên biên giới Bond Connect. Giám đốc New World Development cho biết, các chính sách mới cũng sẽ mang lại lợi ích cho các nhà phát triển bất động sản Hong Kong khi họ nới lỏng các quy định thanh toán xuyên biên giới giữa 11 thành phố thuộc Khu vực vịnh Lớn, để giúp người dân Hong Kong và Ma Cao có thể mua nhà ở miền Nam Trung Quốc một cách dễ dàng hơn.
Hơn nữa, một chính sách mới khác được gọi là tham chiếu tín dụng xuyên biên giới sẽ cho phép các ngân hàng ở Hong Kong và Trung Quốc chia sẻ thông tin tín dụng của các công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty thực hiện tài trợ xuyên biên giới. Đặc biệt, các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương như e-HKD của Hong Kong và e-CNY của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.
Việc mở rộng Bond Connect cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng trái phiếu trong nước làm tài sản thế chấp cho nguồn tài trợ bằng đồng Nhân dân tệ từ Cơ quan tiền tệ Hong Kong, cũng như sẽ có quyền truy cập vào thị trường repo trong nước; cả hai chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 26.2 tới.
Các chuyên gia cho rằng, những biện pháp này sẽ giúp các nhà đầu tư trái phiếu quản lý rủi ro danh mục đầu tư tốt hơn, từ đó sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ trong nước.