Cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ngày 24/4, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025, với chủ đề “cơ hội hợp tác về giải pháp công nghệ đầu tư phát triển năng lượng sạch và sạch hơn”.

Đây là diễn đàn kết nối giao thương, là cơ hội lớn cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới, phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại COP26.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện đại sứ quán các quốc gia trong khối ASEAN cũng như một số quốc gia châu Âu và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN; đồng thời có sự hiện diện của các nhà quản lý chuyên ngành, chuyên gia năng lượng ở trung ương và một số địa phương.

Tại diễn đàn, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành năng lượng Việt Nam phải đảm bảo cả mục tiêu tăng trưởng cao (GDP 8% năm 2025 và trên 2 con số vào giai đoạn từ 2026-2030), đáp ứng an ninh năng lượng lẫn mục tiêu chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch và giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với xu thế thế giới.

Điều này đã được thể hiện trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt ngày 15/4/2025; trong đó, phương án phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) là đạt từ 28 – 36% đến năm 2030 (tương ứng 75.500 MW – 122.200 MW và định hướng lên 74 - 75% đến năm 2050 (tương ứng 497.900 MW – 535.240 MW.

Với thách thức phát triển cao về năng lượng tái tạo, Việt Nam còn đứng trước một thách thức cấp bách nữa là tình trạng cơ sở hạ tầng lưới điện và thiết bị hệ thống truyền tải thiết yếu có thể không đáp ứng kịp mức tăng trưởng kinh tế và tính bền vững.

Đại diện Tập đoàn T&T chia sẻ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đại diện Tập đoàn T&T chia sẻ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tức là Việt Nam đang đối mặt với áp lực mở rộng chuỗi cung ứng lưới điện. Đồng thời, tính cấp thiết về kết nối hệ thống và trao đổi mua bán điện giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Lào, Campuchia nói riêng và Việt Nam với khu vực ASEAN nói chung.

Trung Quốc là quốc gia có thế mạnh về nguồn năng lượng sạch và sạch hơn, đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng phi carbon. Đồng thời, cải tiến việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch để vừa đảm bảo nguồn năng lượng ổn định, vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Hiện tại, tỷ lệ điện năng lượng tái tạo của nước này là 1.460 MW/3.400 MW, đạt 43% tổng công suất hệ thống.

Trung quốc đang là 1 trong những quốc gia nổi bật về phát triển năng lượng tái tạo kèm với chuỗi cung ứng vượt trội về năng lượng mặt trời đang tác động sâu rộng tới khu vực.

Các nước trong khu vực ASEAN cũng đang có những mục tiêu tăng trưởng tối đa về năng lượng tái tạo và hướng tới những mục tiêu kỳ vọng về phát triển xanh, sạch, phù hợp với tiềm năng và định hướng của mình trên cơ sở tìm kiếm sự cân bằng tăng trưởng kinh tế với nhu cầu cấp thiết về năng lượng sạch, tái tạo.

Do đó, diễn đàn hy vọng sẽ mở ra tương lai khai thác cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển ngành năng lượng và cùng đưa quan hệ hợp tác năng lượng Việt Nam- Trung Quốc – ASEAN phát triển vượt trội.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T (T&T Energy), Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nhận định, một quốc gia thịnh vượng phải dựa trên nền tảng nền kinh tế xanh và bền vững.

Đại diện Hội đồng Điện lực Trung Quốc phát biểu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đại diện Hội đồng Điện lực Trung Quốc phát biểu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho rằng: “Năng lực kỹ thuật, quản trị, công nghệ và tài chính từ các đối tác quốc tế chính là những nhân tố đồng hành quan trọng giúp T&T thực thi chiến lược năng lượng sạch nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, coi trọng đẩy mạnh việc hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực; trong đó, triển khai mô hình hợp tác khu vực ASEAN – Trung Quốc một cách thực chất".

Với các đối tác công nghệ, nhà thầu và nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc, T&T coi đây là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam với các đối tác như Cospower - một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc để triển khai đầu tư dự án Nhà máy sản xuất pin lưu trữ hàng đầu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trong khu vực và thế giới.

Để các doanh nghiệp năng lượng như T&T tham gia sâu hơn vào các hợp tác năng lượng trong khu vực, Tập đoàn này kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý và thể chế hợp tác; trong đó, ký kết các hiệp định song phương, đa phương về chia sẻ năng lượng, đầu tư và chuyển giao công nghệ; tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác năng lượng trong ASEAN như lưới điện ASEAN (APG), cộng đồng năng lượng ASEAN; hài hòa, chia sẻ các các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các quốc gia để thuận lợi hợp tác.

Theo đó, đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện xuyên biên giới (Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào - Campuchia) đồng thời, tăng cường kết nối mạng lưới điện trong ASEAN theo sáng kiến APG, hướng tới thị trường điện khu vực.

Hệ thống điện gió được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hệ thống điện gió được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

T&T cho rằng, cần tăng cường hợp tác phát triển các nguồn năng lượng; trong đó, thúc đẩy liên doanh hợp tác phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với Trung Quốc và các nước ASEAN; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ các lĩnh vực công nghệ mới như hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng ….

Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin; thiết lập cơ chế đối thoại năng lượng thường niên giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN; chia sẻ dữ liệu về cung cầu, dự báo rủi ro, chính sách ứng phó khủng hoảng năng lượng; hợp tác đào tạo chuyên gia, kỹ sư năng lượng, quản lý thị trường và an ninh năng lượng xuyên biên giới.

T&T kiến nghị nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận các dự án liên kết khu vực; tăng cường xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển các quỹ tài chính xanh, quỹ hợp tác năng lượng hỗ trợ các dự án xuyên quốc gia trong khu vực.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-ho-i-ho-p-ta-c-ve-gia-i-pha-p-cong-nghe-da-u-tu-pha-t-trie-n-nang-luo-ng-sa-ch/371353.html