Thanh Hóa: Nỗ lực giảm nghèo ở vùng cao

Huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa là huyện có kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do đó, để giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững, Tổ chức World Vision International tại Việt Nam (WVIV) triển khai Dự án 'Cải thiện cơ hội sinh kế cho người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật và dân tộc thiểu số' giai đoạn 2024-2026.

Còn nhiều khó khăn

Huyện Bá Thước là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Các nguồn thu nhập chính của người dân địa phương nơi đây chủ yếu dựa vào trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi. Để thoát nghèo, phát triển kinh tế, huyện xác định sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là khâu đột phá.

Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp ở nơi đây đang đối diện với nhiều thách thức khi tài nguyên thiên nhiên đang dần bị suy thoái do nhận thức và kiến thức của người dân còn hạn chế. Trong đó, việc sử dụng quá mức và không đúng phân bón tổng hợp, hóa học là một yếu tố chính góp phần vào sự suy thoái của đất nông nghiệp. Mặc dù các loại phân bón này có thể tăng năng suất nông nghiệp trong ngắn hạn, nhưng chúng cũng có thể gây hại lâu dài cho đất và môi trường.

 Dự án FMNR hướng tới cải thiện sinh kế bền vững cho người dân. (Ảnh: WVIV)

Dự án FMNR hướng tới cải thiện sinh kế bền vững cho người dân. (Ảnh: WVIV)

Điều này có thể khiến nông dân khó phát triển sinh kế bền vững và duy trì thu nhập của họ theo thời gian. Ngoài việc làm suy giảm chất lượng đất, việc sử dụng quá mức phân bón hóa học cũng có thể dẫn đến ô nhiễm nước và các vấn đề môi trường khác. Hơn nữa, do người dân tộc thiểu số ở huyện Bá Thước phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên nên sự thay đổi điều kiện khí hậu và sự xuất hiện thường xuyên của thiên tai đã làm tăng tốc độ vòng lặp mất an ninh lương thực hiện có.

Bên cạnh đó, một thách thức chính khác là thiếu đất chăn thả cho gia súc do suy thoái đất gây ra bởi phá rừng, xói mòn đất và sử dụng quá mức phân bón hóa học. Ngoài ra, việc tiếp cận nước sạch cho gia súc bị hạn chế do giảm nguồn nước gây ra bởi phá rừng và sử dụng quá mức tài nguyên nước. Các bệnh như bệnh lở mồm long móng, sốt lợn và cúm gia cầm cũng là mối đe dọa đáng kể đối với gia súc và có thể tàn phá sinh kế của nông dân.

Trước thực tế đó, Tổ chức World Vision International tại Việt Nam (WVIV) đã triển khai Dự án “Cải thiện cơ hội sinh kế cho người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật và dân tộc thiểu số” tại huyện Bá Thước giai đoạn 2024-2026. Dự án đặt mục tiêu mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 3.000 người, trong đó có 236 người khuyết tật và 334 trẻ em dễ bị tổn thương. Ngoài ra, khoảng 13.000 người sẽ được hưởng lợi gián tiếp nhờ hiệu ứng lan tỏa của các mô hình.

Hướng tới sinh kế bền vững

Với tổng ngân sách 180.000 EUR (tương đương hơn 5,2 tỷ đồng), Dự án đã và đang mang đến cơ hội thay đổi cuộc sống cho nhiều người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra trong một gia đình bốn thành viên, anh L. V. Cường, người dân xã Điền Quang (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) không may mắc khuyết tật ở tay từ nhỏ. Em trai anh Cường cũng bị mắc chứng rối loạn tâm thần và cần được sự chăm sóc hằng ngày. Cả gia đình sống dựa vào công sức lao động của bố mẹ. Với một người khuyết tật và sống ở miền núi xa xôi như anh, việc học hành, tìm kiếm việc làm hay tự chủ tài chính là điều tưởng chừng như không thể.

Bước ngoặt đến với cuộc đời anh Cường khi nhận được hỗ trợ từ Dự án “Cải thiện cơ hội sinh kế cho người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật và dân tộc thiểu số” (FMNR) do WVIV triển khai.

 Anh L. V. Cường được hỗ trợ gà giống và tập huấn cách làm men vi sinh. (Ảnh: WVIV)

Anh L. V. Cường được hỗ trợ gà giống và tập huấn cách làm men vi sinh. (Ảnh: WVIV)

Anh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ gà giống và tập huấn cách làm men vi sinh để chăm sóc đàn gà bằng thức ăn tự chế từ lá cây, cám gạo, rau quả... Từ những kiến thức được học, anh chủ động sản xuất men vi sinh để bán cho người dân địa phương. Việc này vừa giúp anh tăng thu nhập vừa lan tỏa mô hình canh tác thân thiện, hiệu quả trong cộng đồng.

“Thấy hiệu quả rõ rệt, tôi mạnh dạn làm men vi sinh bán cho người chăn nuôi khác. Tôi cũng chủ động học thêm nhiều kỹ năng mới từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường. Trước đây, tôi luôn nghĩ mình chỉ có thể sống nhờ vào cha mẹ. Nhưng giờ đây, tôi có thể tự kiếm sống bằng chính đôi tay khuyết tật của mình, không còn là gánh nặng cho gia đình nữa”, anh Cường chia sẻ.

Điều đáng nói là nỗ lực của Cường đã có sức ảnh hưởng tới cả những người xung quanh trong cộng đồng, giúp họ nâng cao năng suất chăn nuôi, tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe cho đàn gia cầm.

Phó Chủ Tịch UBND xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa ông Cao Xuân Chiều cho biết, người dân nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng thu nhập lại bấp bênh do điều kiện sản xuất lạc hậu, tài nguyên suy thoái, kỹ thuật canh tác hạn chế và khó tiếp cận thị trường. Người dân nơi đây cũng thường xuyên đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu nước tưới và đất chăn thả.

“Dự án FMNR hướng tới cải thiện sinh kế bền vững dựa trên mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường, giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn mà vẫn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Người dân đã chủ động hơn trong việc áp dụng kỹ thuật sản xuất; nhận thức về môi trường tăng cao; vai trò của phụ nữ và người khuyết tật được nâng lên. Việc sử dụng phân hữu cơ, tối ưu chi phí giúp nhiều hộ có lãi” ông Chiều nhấn mạnh.

Chuyên gia Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập xã hội của WVIV bà Vũ Thị Vân Anh chia sẻ, “Những người khuyết tật luôn mong muốn, khát khao được làm việc và khẳng định bản thân cũng như khả năng làm việc tạo thu nhập và sống độc lập nếu được hỗ trợ xóa bỏ các rào cản về định kiến và tiếp cận với cơ hội việc làm, không chỉ cho bản thân mà còn có tác động lan tỏa với những người xung quanh và cộng đồng. Chúng tôi luôn tin rằng đầu tư vào người yếu thế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của địa phương”.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-hoa-no-luc-giam-ngheo-o-vung-cao-post411325.html