Cơ hội kết nối cung - cầu hàng Việt Nam tại Hà Tĩnh
Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong thúc đẩy, hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh.
Chiều 24/11, Sở Công thương Hà Tĩnh phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Tham dự có lãnh đạo Sở Công thương, đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, các công ty, nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực tại Hà Tĩnh.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường ngày càng được mở rộng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, lưu thông hàng hóa thông suốt, hoạt động thương mại ngày càng sôi động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023 đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch, tăng 33% so với năm 2022.
Hạ tầng thương mại đang từng bước phát triển đa dạng, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 150 chợ, 3 siêu thị, 59 cửa hàng Co.op food, Winmart+ và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, nhiều doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng việt có quy mô và uy tín trên thị trường.
Qua gần 12 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước, trong tỉnh. Tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, trung tâm thương mại chiếm trên 92%; trong các chợ, cửa hàng tạp hóa chiếm trên 65%.
Những năm qua, Sở Công thương cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Điển hình như các cuộc thi tìm hiểu cuộc vận động, chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh, xúc tiến thương mại.
Hội nghị lần này đã thu hút trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh phân phối, bán lẻ tham gia. Đây cũng là cơ hội để các nhà phân phối, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt, hàng trong tỉnh có thể trao đổi, chia sẻ những nhu cầu, khả năng trong hợp tác, kinh doanh, góp phần đưa hàng Việt Nam và hàng sản xuất trong tỉnh đến với người tiêu dùng cả nước và xuất khẩu.
Hội nghị đã tổ chức trao biên bản ký kết hợp tác, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh... giữa các siêu thị, nhà phân phối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.