Cơ hội làm lại cuộc đời cho người lầm lỡ từ Quyết định 22 của Chính phủ
Hành trình làm lại cuộc đời của những người lầm lỡ luôn đầy khó khăn và gian nan bởi sự mặc cảm, tự ti, khó tìm kiếm cơ hội việc làm. Từ khi Quyết định 22 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất được xem là một chủ trương nhân văn, nhằm giải quyết an sinh xã hội, giúp nhiều người thắp sáng lại tương lai. Ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk.
Sau 7 năm chấp hành án, anh Nguyễn Văn Nhơn về lại căn nhà lụp xụp ở xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk, chỉ biết đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Từ khi được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù để nuôi heo sinh sản, anh đã có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Còn với gia đình ông Trần Văn Hiển, ông có người con trai đã chấp hành xong án phạt tù hơn 1 năm nay, về địa phương nhưng không có việc làm, kinh tế khó khăn. May mắn, gia đình cũng được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn này để mạnh dạn đầu tư trồng, chăm sóc hơn 1.300 cây cà phê, sầu riêng.
Đối tượng được vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, mức vay tối đa 04 triệu đồng/người/tháng để đào tạo nghề; 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; được vay tối đa 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Sau 1 tháng triển khai chính sách cho vay vốn tín dụng với người chấp hành xong án phạt tù, cả nước có hơn 2.000 người có nhu cầu vay vốn với trên 138 tỷ đồng. Đã có nhiều trường hợp đã được giải quyết cấp vốn. Riêng tỉnh Đắk Lắk, đến hết tháng 10/2023 đã giải ngân cho 22 khách hàng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng./.
Mời quý vị theo dõi nội dung chương trình!