Cơ hội lan tỏa, quảng bá văn hóa, du lịch của Hà Nội qua các sự kiện

Công tác tổ chức 'Ngày hội văn hóa vì hòa bình', chương trình kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô cần bảo đảm không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Thủ đô. Đây là cơ hội lan tỏa, quảng bá văn hóa, lịch sử, du lịch của thành phố đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Chiều 4/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp Ban tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” và rà soát công tác chuẩn bị chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Cùng dự phiên họp có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà.

10.000 người tham gia Ngày hội Văn hóa vì hòa bình

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999-16/7/2024) là chương trình quy mô lớn lần đầu tiên tổ chức dưới hình thức không gian văn hóa, lịch sử - sân khấu thực cảnh tại vườn hoa tượng đài vua Lý Thái Tổ và không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) diễn ra vào sáng 6/10/2024.

Tổng số lực lượng tham gia ngày hội là 10.000 người, trong đó 9.400 đại biểu là người dân - vừa là diễn viên tham gia diễu hành, trình diễn, vừa là khán giả tham dự chương trình.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì phiên họp Ban tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” và rà soát công tác chuẩn bị chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì phiên họp Ban tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” và rà soát công tác chuẩn bị chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Thành phố Hà Nội đã xin ý kiến và tiếp thu, hoàn thiện kịch bản tổ chức ngày hội; thống nhất về nội dung kịch bản, maket trang trí tổ chức ngày hội; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực (Sở Văn hóa và Thể thao) trong triển khai các nhiệm vụ luyện tập, sơ duyệt, tổng duyệt theo tiến độ đề ra…

Đối với “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị công tác tổ chức ngày hội bảo đảm không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Thủ đô. Đây là cơ hội lan tỏa, quảng bá văn hóa, lịch sử, du lịch của Hà Nội đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế; do đó, cần huy động tối đa các hình thức truyền thông trước, trong chương trình để người dân toàn Thành phố và cả nước theo dõi.

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành, đơn vị, kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị, công tác phối hợp truyền thông về ngày hội bảo đảm người dân Thủ đô, du khách quốc tế và người dân cả nước được biết, tham gia và quan sát sự kiện; do đó cần sớm xây dựng kịch bản truyền thông về chương trình ngày hội.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận các nội dung phiên họp.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận các nội dung phiên họp.

Đối với công tác tổ chức tổng duyệt và biểu diễn chính thức chương trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, Công an Thành phố, quận Hoàn Kiếm xây dựng kỹ lưỡng các phương án, kịch bản, tăng cường lực lượng nhằm kiểm soát giao thông, an ninh, phòng cháy, chữa cháy, y tế, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực, bảo đảm tổ chức thành công chương trình.

Tiếp cận công nghệ tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc tế

Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - thành phố Hòa bình - thành phố Rồng bay” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra vào tối 10/10/2024 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình - đây là chương trình có quy mô lớn, là chương trình điểm nhấn, kết thúc chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Chương trình kết hợp chương trình văn nghệ với trình chiếu công nghệ ánh sáng bằng thiết bị không người lái (drones) và bắn pháo hoa tầm cao kết hợp với pháo tầm thấp và hỏa thuật. Tham dự chương trình dự kiến có khoảng 25.000 người; trong đó đại biểu các tầng lớp nhân dân các quận, huyện, thị xã là khoảng gần 24.000 người.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại phiên họp.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại phiên họp.

Sở Văn hóa và Thể thao đã phân công nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị thuộc Sở triển khai chương trình; tiếp tục hoàn hiện kịch bản chi tiết, maket sân khấu chương trình nghệ thuật. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao cho cơ quan thường trực; tổ chức hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt chương trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định; đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác tổ chức chương trình…

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, chương trình nghệ thuật đặc biệt là sự kiện có quy mô lớn. Thông qua chương trình, Thành phố sẽ thêm kinh nghiệm tổ chức sự kiện lớn, tiếp cận công nghệ tổ chức tầm cỡ quốc tế, qua đó gửi đi thông điệp về năng lực tổ chức sự kiện của Thành phố. Do đó, công tác chuẩn bị chương trình phải bảo đảm kỹ lưỡng.

“Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về sự kiện chương trình nghệ thuật đặc biệt, đặc biệt là trong giới trẻ. Với tính chất đặc biệt của chương trình, công tác truyền thông cần lan tỏa đến các người dân trên cả nước, trong đó trọng tâm là tại các thành phố trực thuộc Trung ương”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Liên quan nội dung này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan phải sớm hoàn thiện xây dựng kịch bản chi tiết chương trình để xin ý kiến thẩm định của các cấp có thẩm quyền; tạo điều kiện tối đa về tổng duyệt, hợp luyện chương trình. Ngoài ra, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn công tác bắn pháo hoa và trình chiếu công nghệ ánh sáng bằng thiết bị không người lái.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-hoi-lan-toa-quang-ba-van-hoa-du-lich-cua-ha-noi-qua-cac-su-kien-176513.html