Cơ hội lớn cho Việt Nam sang Hàn Quốc đá Asian Cup

Sau khi Trung Quốc bỏ đăng cai Asian Cup 2023, Hàn Quốc được xem là ứng viên số 1 thay thế khi hầu như đáp ứng tất cả điều kiện của AFC, trong đó quan trọng nhất là khâu sân bãi.

Khi Trung Quốc (TQ) vừa tuyên bố trả quyền đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023 vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại cho AFC thì tổ chức này lần lượt thực hiện các thủ tục. Ban đầu là AFC tìm hiểu về những khó khăn của chủ nhà, đồng thời đề ra thời hạn cuối tháng 6-2022 để TQ có thể dàn xếp lại và trả lời một cách chính thức. Sau khi phía LĐBĐ TQ hồi đáp bằng việc trả hẳn, không nhận đăng cai nữa thì AFC chính thức tuyên bố TQ bỏ đăng cai. Tiếp theo là tổ chức này vận động các quốc gia trong gia đình châu Á “giải cứu”.

Ngay sau đó, LĐBĐ Nhật Bản lên tiếng tiếp nhận. Điều này khiến AFC nhẹ nhõm bởi Nhật Bản vừa tổ chức thành công Olympic Tokyo. Tuy nhiên, phía AFC chưa vội trả lời chính thức với LĐBĐ Nhật Bản mà nghĩ tới Hàn Quốc, vì đây chính là quốc gia đã chạy đua quyền đăng cai Asian Cup 2023 với TQ và bị loại ở phút 89 khi TQ bất ngờ qua mặt giành quyền đăng cai.

Việc AFC nghĩ đến Hàn Quốc cũng vì LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) đã chính thức lên tiếng xin đăng cai sau Nhật Bản. Bên cạnh đó là các quốc gia như Qatar, UAE, Úc cũng xin đăng cai. Tuy nhiên, AFC không gây áp lực quá lớn lên các quốc gia thành viên bởi Qatar cuối năm nay diễn ra World Cup, UAE thì mới tổ chức Asian Cup 2019, còn Úc là đồng chủ nhà World Cup nữ 2023 rồi.

Các HLV như ông Park Hang-seo hay BS Choi sẽ rất thích thú nếu cùng đội Việt Nam thi đấu Asian Cup tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV

Các HLV như ông Park Hang-seo hay BS Choi sẽ rất thích thú nếu cùng đội Việt Nam thi đấu Asian Cup tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV

Mặt khác, nếu giải đấu diễn ra ở Trung Đông và Tây Á, tức UAE hay Qatar thì phải tháng đầu năm để nhiệt độ mát mẻ, còn nếu vào tháng 6 hoặc tháng 7... thì quá nóng, không thể đá nổi.

Vòng chung kết Asian Cup 2023 là giải đấu thứ ba có 24 đội tham dự nên áp lực không hề nhỏ lên chủ nhà, đặc biệt trong khâu tiếp đón và sân bãi phục vụ. Để trở thành ứng viên, nước chạy đua đăng cai phải hội đủ các điều kiện mà trong cuộc đua trước đó với TQ, phía Hàn Quốc cũng đã trình những đề án, kế hoạch khá chuẩn.

Ngoài việc sân thi đấu và sân tập đạt chuẩn, các phòng chức năng và các hệ thống kèm theo cũng được AFC chú trọng. Những chuẩn mực như các sân đấu tứ kết phải tối thiểu 20.000 chỗ ngồi và tương tự các sân thi đấu bán kết là 40.000 chỗ ngồi; hai sân phục vụ trận khai mạc, chung kết phải tối thiểu 50.000 chỗ ngồi, phía Hàn Quốc đều đáp ứng đủ.

Asian Cup được tổ chức lần đầu vào năm 1956, Hàn Quốc mới làm chủ nhà một lần duy nhất vào năm 1960 và đến nay họ cũng chỉ vô địch hai lần vào các năm 1956 và 1960.

Bây giờ, KFA đã chính thức lên tiếng thì có lẽ Hàn Quốc sẽ không có đối thủ, kể cả Nhật Bản rất muốn kéo Asian Cup về.

Một điều thú vị là nếu AFC chính thức thừa nhận và công bố Hàn Quốc đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023 thì số HLV Hàn Quốc đang hành nghề tại các quốc gia Đông Nam Á sẽ rất hào hứng khi trở về quê nhà cùng các đội tuyển quốc gia mà mình dẫn dắt. Như HLV Park Hang-seo hoặc Gong Oh-kyun đang dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam, hay HLV Shin Tae-yong đang giúp bóng đá Indonesia đổi mới và có những thành tích mới, phía Malaysia dự Asian Cup thì có HLV Kim Pan-gon..., những ông thầy có ít nhiều dấu ấn khi là cầu thủ hoặc HLV ở Hàn Quốc.•

TẤN PHƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-hoi-lon-cho-viet-nam-sang-han-quoc-da-asian-cup-post685610.html