Cơ hội lớn cho xuất khẩu công nghiệp cơ khí
Cơ khí được đánh giá là một ngành có nhiều cơ hội xuất khẩu, bất chấp kinh tế toàn cầu khó khăn thì khách hàng vẫn tìm đến Việt Nam. Thực tế, đã có doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được hộp lựu đạn cho quân đội Mỹ với giá trị lớn và phát triển sang cả thị trường châu Âu...
Cơ khí được xác định là ngành công nghiệp mang tính “xương sống” của nền kinh tế. Mặc dù vậy, việc tận dụng cơ hội ở thị trường trong nước và quốc tế vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.
'Đau đầu' giải bài toán giá cạnh tranh
Chia sẻ về câu chuyện của doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cơ khí", bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, VASI có 300 hội viên, trong đó 80% doanh nghiệp (DN) làm cơ khí. Nhiều DN đã tham gia xuất khẩu qua chuỗi hoặc xuất trực tiếp.
Theo bà Bình, năm nay có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới. “Nhiều DN cho biết họ rất bận rộn tiếp khách, DN nào xuất sắc thì có đơn hàng mới. Thực tế là khách hàng họ luôn tìm kiếm nhà cung cấp mới từ cách đây 3 năm trước chứ không phải bây giờ. Đây là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam trong bối cảnh đơn hàng toàn cầu suy giảm vì tác động của suy thoái kinh tế thế giới”, bà Bình nói.
Tổng thư ký VASI đánh giá, thị trường xuất khẩu của cơ khí Việt Nam là cực kỳ lớn, có thể làm bất cứ sản phẩm, đáp ứng cho bất cứ ngành kinh tế nào. “Có DN Việt Nam đã xuất được hộp lựu đạn cho quân đội Mỹ và đơn hàng phát triển lớn không chỉ dừng ở quân đội Mỹ mà chuyển sang cả châu Âu; hay làm mái lợp trên nhà; nhiều sản phẩm tự động hóa, đơn chiếc cơ khí được xuất khẩu sang Đức...”, bà Bình thông tin.
Vì sản phẩm cơ khí đa dạng, do vậy bà Bình đề xuất các Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước có thông tin gì về thị trường, khách hàng, thì hãy trao đổi với VASI. Đặc biệt là những cơ hội từ thị trường Mỹ rất hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội để DN cơ khí trong nước nỗ lực hơn.
Nhìn thẳng vào điểm yếu của ngành cơ khí hiện nay, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho biết con số xuất nhập khẩu máy móc thiết bị nhiều, nhưng chủ yếu thị phần do DN FDI nắm giữ. So với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, giá sản phẩm cơ khí của Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Ông Sáng kể, vừa qua có dẫn một khách hàng Mỹ có nhu cầu muốn mua thiết bị để lắp ráp ô tô: “Tôi đã bảo mấy DN lớn của Việt Nam chào giá nhưng sau khi nhận được báo giá, họ chê quá cao. Họ nói giá của Ấn Độ rẻ hơn gần một nửa so với Việt Nam. Nếu chúng ta chấp nhận mức giá đó thì mới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, lý do khiến sản phẩm của Việt Nam kém cạnh tranh về giá là phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Do vậy, muốn giá cạnh tranh so với đối thủ chỉ có cách cắt giảm chi phí nhân công.
Từ khó khăn trên, Hiệp hội Cơ khí đề nghị các DN trong nước kết nối với nhau để đáp ứng được yêu cầu của nhà mua hàng lớn, đồng thời có thông tin về các thị trường mới như châu Phi và Nam Mỹ.
Trong khi đó, Hội các DN cơ khí tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, sản xuất cơ khí của chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức như ngành nông nghiệp cách đây 40 năm bởi phần lớn các DN cơ khí Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ nhưng thiếu người định hướng, dẫn dắt, kết nối tạo sân chơi; Chính sách ưu tiên, ưu đãi giữa các DN FDI với DN Việt Nam đang còn không bình đẳng, đặc biệt về ưu đãi thuế…
Theo đó, Hội các DN cơ khí tỉnh Bắc Giang đề nghị cần có chính sách yêu cầu các DN FDI nội địa hóa theo tỷ lệ % nhất định. Đây chính là điều để níu kéo các DN FDI khi họ hoạt động tại Việt Nam thì việc chuyển đi nơi khác sẽ khó hơn như hiện nay.
Cần làm gì để xuất ngoại?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ), lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, nhất là ngành sản xuất ô tô. Xu hướng thời gian tới trong lĩnh vực cơ khí của Mỹ đó là áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất xe điện, đặc biệt là tập trung sản xuất sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường.
Bên cạnh là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Mỹ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô. Tuy vậy, DN cần sản xuất theo xu hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, xu hướng chung của thế giới và thị trường Mỹ; Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.
Hay với Nhật Bản, đây là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Dù có nhiều cơ hội, song ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng chỉ ra một số thách thức, đó là cơ khí của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như thép và nhôm công nghệ cao…, là điểm yếu cho phát triển ngành.
Vì vậy, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản kiến nghị DN cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất để có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với DN Nhật Bản, qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, dư địa dành cho phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực cơ khí còn rất lớn đối với DN Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Nga chuyển hướng tập trung thương mại sang các đối tác phía Đông để thay thế cho các đối tác cũ phương Tây.
Để tranh thủ nắm bắt và tham gia thị trường các sản phẩm cơ khí Liên nang Nga, DN Việt Nam cần tích cực tìm hiểu về thị trường Nga, thông qua các kênh thông tin và đặc biệt là thông qua thực hiện các đoàn công tác sang tìm hiểu thị trường và tham gia các triển lãm, hội thảo chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí và chế biến chế tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp tại Liên bang Nga.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội cần tích cực hơn trong việc phổ biến thông tin thị trường và tổ chức kết hợp các đoàn DN sang khảo sát thị trường Nga để nắm bắt chi tiết hơn về thị trường bản địa.