Cơ hội lớn để Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch
Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 86% so với cùng kỳ; du khách quốc tế đạt hơn 135.000 lượt, tăng 4,4 lần; doanh thu du lịch đạt hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 1,5 lần.
Ngày 8/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm nay.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, 6 tháng qua trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng với sự triển khai đồng bộ các giải pháp cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, kinh tế-xã hội của Bình Thuận đạt được kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước, đứng vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng 3,51%.
Đặt biệt, hoạt động du lịch có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tận dụng cơ hội từ tuyến cao tốc Dầu Dây-Phan Thiết được khánh thành, lượng du khách đến Bình Thuận liên tục tăng.
Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 86% so với cùng kỳ; du khách quốc tế đạt hơn 135.000 lượt, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ.
Trong dịp Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã đón nhận 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú (con số này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Số liệu thống kê cũng cho thấy công suất phòng đạt bình quân từ 90-100% (khách sạn từ 1-2 sao và tương đương đạt công suất xấp xỉ 90%, các resort, khách sạn từ 3-5 sao và tương đương công suất phòng đã đạt gần 100%). Đa số là khách du lịch nội địa đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nam Bộ, Hà Nội….
Với dự án cao tốc, các khu du lịch phía Nam của thành phố Phan Thiết, đặc biệt là khu đô thị NovaWorld Phan Thiết ngày càng thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhờ quãng đường di chuyển thuận lợi.
Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ khai mạc và các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận-Hội tụ xanh.” Đây là cơ hội lớn để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước thời gian tới.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, dự án có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B); kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm); hồ chứa nước Ka Pét; Cảng Hàng không Phan Thiết; đường liên huyện dọc tuyến kênh chính qua các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong…. Đến đầu tháng Sáu này, toàn tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.292 tỷ đồng (đạt 26,54% kế hoạch).
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 13 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 642 tỷ đồng; 13 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn điều chỉnh tăng là 5.803 tỷ đồng; 2 dự án đưa vào hoạt động.
Để đạt được mục tiêu kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông-lâm-thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị huy động các nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đầu tư công; tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình trọng điểm.
Các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nghỉ dưỡng và khu vui chơi-giải trí cao cấp từ những nhà đầu tư chiến lược để đầu tư, phát triển Bình Thuận trở thành điểm đến ưa chuộng của đông đảo du khách quốc tế.
Trong số những dự án quy mô được đầu tư tại tỉnh trong thời gian qua, có thể kể đến dự án NovaWorld Phan Thiết. Hiện tại, NovaWorld Phan Thiết đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào hoạt động một số công trình như sân golf 36 lỗ; nhà hàng; café; khu công viên giải trí và Khách sạn Movenpick.
Dự kiến, cuối năm 2025, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành. Để tạo điều kiện giúp dự án sớm hoàn thành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, cho nhà đầu tư bằng nhiều giải pháp cụ thể./.