Cơ hội lớn để cải cách nền hành chính công khi chính quyền gần dân, sát dân hơn
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá việc tổ chức lại chính quyền địa phương trong năm nay sẽ giúp Việt Nam xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả, gần dân, vì dân hơn.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (Chỉ số PAPI 2024) vừa được công bố cho thấy chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân. Khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng sẽ còn có cơ hội được thúc đẩy trong năm 2025 khi Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam về những cơ hội để cải cách nền quản trị công trong thời gian tới khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Đầu tư vào nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết
- Theo bà, những vấn đề, hạn chế trong quản trị hành chính công của Việt Nam sẽ có cơ hội được khắc phục như thế nào khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, đặc biệt là việc nâng cao năng lực cấp xã?
Bà Ramla Khalidi: Theo kết quả khảo sát từ Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) năm 2024, chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở 7/8 chỉ số lĩnh vực nội về quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Tuy nhiên, năm chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử đạt điểm thấp, đồng nghĩa với cơ hội và dư địa còn lớn để đổi mới và cải thiện.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Những phát hiện từ Chỉ số PAPI 2024 cũng chỉ ra sự khác biệt trong trải nghiệm và cảm nhận của người dân thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Cụ thể, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tạm trú và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và dịch vụ công thấp hơn so với các nhóm dân cư khác.
Những cải cách trong việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay mang đến cơ hội lớn để giải quyết những thách thức và thu hẹp những khoảng cách này. Các tỉnh, thành phố sau sáp nhập có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt từ các địa phương được sáp nhập. Quan trọng hơn, việc đầu tư vào nguồn nhân lực cho chính quyền cấp xã và cấp cơ sở là vô cùng cần thiết.
Cần tăng lương cho đội ngũ công chức cấp xã, xác định rõ chức năng và nhiệm vụ của từng công chức thông qua bản mô tả công việc theo vị trí việc làm, áp dụng quy trình tuyển dụng công chức minh bạch, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ thường xuyên và thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ để duy trì và giữ chân công chức có năng lực. Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với những tỉnh, thành phố đạt điểm thấp về hiệu quả quản trị địa phương.
Cần tăng lương cho đội ngũ công chức cấp xã, xác định rõ chức năng và nhiệm vụ của từng công chức thông qua bản mô tả công việc theo vị trí việc làm, áp dụng quy trình tuyển dụng công chức minh bạch, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ thường xuyên và thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ để duy trì và giữ chân công chức có năng lực. Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với những tỉnh, thành phố đạt điểm thấp về hiệu quả quản trị địa phương.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam
- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp nhằm “xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”, bà đánh giá thế nào về quyết tâm này?
Bà Ramla Khalidi: Chúng tôi đánh giá cao cam kết đó của Việt Nam bởi đây là tinh thần của Hiến pháp “Nhà nước của dân, do dân và vì dân.”
Chúng tôi cho rằng việc tổ chức lại chính quyền địa phương trong năm nay sẽ hướng tới nền quản trị lấy người dân làm trọng tâm, nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả, gần dân, vì dân hơn và từ đó đem đến những lợi ích thiết thực hơn cho mọi người dân Việt Nam.
Đây là cơ hội to lớn để tăng cường sự tham gia của người dân và nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương với người dân, khi chính quyền địa phương “gần dân, sát dân” hơn.

(Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chúng tôi cũng hy vọng rằng việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính sẽ cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công cả trên môi trường trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đảm bảo tính bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thách thức khi tái cấu trúc thủ tục hành chính
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp cũng sẽ thay đổi lại trình tự giải quyết tất cả các thủ tục hành chính, bà đánh giá thế nào về những thách thức trong thời gian tới với chính quyền địa phương các cấp?
Bà Ramla Khalidi: Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ đang thực hiện những cải cách to lớn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Được biết, chính quyền cấp trung ương hiện nay đã và đang tiến hành rà soát và sửa đổi hơn 1.100 văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với những thay đổi trong bộ máy chính trị và chính quyền các cấp. Do đó, rất nhiều quy trình thủ tục hành chính cũng sẽ được cập nhật.
Chẳng hạn, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện đang thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp huyện. Khi cấp chính quyền huyện không còn, những công việc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ cần được chuyển giao về cấp tỉnh hoặc cấp xã.
Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ đang thực hiện những cải cách to lớn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Chính quyền cấp trung ương hiện nay đã và đang tiến hành rà soát và sửa đổi hơn 1.100 văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với những thay đổi trong bộ máy chính trị và chính quyền các cấp.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam
Ví dụ trên cho thấy chính quyền địa phương cũng cần chờ đợi các văn bản sửa đổi liên quan để thực hiện việc tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là việc chuyển giao trách nhiệm từ cấp huyện lên cấp tỉnh hoặc xuống cấp xã. Những thay đổi này có thể dẫn đến những trì hoãn nhất định trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng chính quyền trung ương cũng đang đưa ra các giải pháp để giải quyết những thách thức này. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng sẽ chủ động chia sẻ thông tin về những thay đổi đang diễn ra và những chậm trễ có thể xảy ra trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
- Với những nỗ lực thay đổi khi sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, bà đánh giá người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì?
Bà Ramla Khalidi: Chúng tôi tin rằng lợi ích trước mắt đó là người dân, doanh nghiệp không phải đi qua nhiều cấp chính quyền và quy trình, thủ tục sẽ giảm bớt khâu trung gian khi làm những thủ tục hành chính đòi hỏi phải có sự phê duyệt của nhiều cấp.
- Kế hoạch đánh giá chỉ số PAPI năm 2025 sẽ được điều chỉnh như thế nào khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, thưa bà?
Bà Ramla Khalidi: Sau khi công bố báo cáo PAPI năm 2025, chúng tôi sẽ bắt đầu trao đổi với các đối tác Việt Nam để bàn bạc và tìm ra hướng tiếp cận hiệu quả nhất. Đồng thời, chúng tôi sẽ điều chỉnh phương pháp luận thực hiện khảo sát PAPI trong thời gian tới để nắm bắt được tác động của những đổi mới ở cấp chính quyền địa phương.
Chúng tôi hy vọng rằng Chỉ số PAPI sẽ tiếp tục đồng hành cùng với những đổi mới đang diễn ra, cung cấp dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của người dân với những thay đổi ở Việt Nam trong thời gian tới và hỗ trợ lãnh đạo chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc đưa ra các quyết sách dựa trên bằng chứng để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố Chỉ số PAPI 2024. (Ảnh: CTV/Vietnam+)