Cơ hội lớn từ đầu tư xanh (*)

Đầu tư xanh là hoạt động đầu tư tập trung vào các công ty hoặc dự án cam kết bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển và sản xuất các nguồn năng lượng thay thế, xây dựng các dự án môi trường, cung cấp nước sạch và không khí sạch hoặc các hoạt động kinh doanh vì môi trường khác.

Các bộ, ngành trung ương đang xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các địa phương thực hiện đầu tư xanh. Nhìn chung, nước ta cũng chỉ mới ở vạch xuất phát và đang đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp (DN) muốn tham gia đầu tư xanh.

Trước hết, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực này chưa có và chưa đồng bộ do đang trong quá trình xây dựng. Do đó, đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các địa phương, người dân và DN thực hiện đầu tư xanh. Một khó khăn khác là nhận thức của DN và người dân chưa đầy đủ, chủ yếu do thiếu thông tin về lĩnh vực này.

Về giải pháp, chúng ta đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; TP HCM cũng có kế hoạch về tăng trưởng xanh; tất cả các ngành, địa phương liên quan cũng đã có kế hoạch liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên, để địa phương và các ngành sớm triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh thì các bộ, ngành phải hoàn thiện khung pháp lý. Cũng cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về đầu tư xanh cho người dân, DN, các tổ chức, kể cả cơ quan nhà nước.

Liên quan đến khâu tổ chức thực hiện, cần tiến hành kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào vi phạm trong quá trình tham gia thực hiện đầu tư xanh thì phải có biện pháp xử lý.

Nên chia đầu tư xanh thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2026; giai đoạn 2 từ năm 2027 đến 2030; giai đoạn 3 từ năm 2031 trở về sau. Ở giai đoạn 1, chủ yếu là vận động, khuyến khích, hỗ trợ để DN và các tổ chức khi có nhu cầu đầu tư thì phải lựa chọn chuyển đổi sang đầu tư xanh. Ở giai đoạn 2, các DN, tổ chức khi muốn đầu tư thì bắt buộc phải lựa chọn đầu tư xanh, kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Giai đoạn 3, áp dụng đại trà đầu tư xanh đến tất cả DN, tổ chức.

Đầu tư xanh cần thực hiện theo từng bước với những lộ trình khoa học, chiến lược. Bên cạnh đó, nhà nước cũng phải xây dựng các chính sách để hỗ trợ DN tham gia đầu tư xanh. Có nhiều loại hình để hỗ trợ, như hỗ trợ về khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực và quan trọng nhất là hỗ trợ về vốn.

Đầu tư xanh là một quá trình đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường nhằm tác động tích cực đến môi trường và tạo ra một khoản lợi nhuận tài chính nhất định đối với các khoản đầu tư được thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới tăng trưởng xanh, tài chính xanh và đầu tư xanh. Việt Nam cũng là một quốc gia như vậy khi dành sự quan tâm đặc biệt cho việc thúc đẩy hoạt động đầu tư xanh. Cơ hội phát triển của đầu tư xanh là rất lớn đối với cả DN, ngân hàng và quốc gia.

(*) Trích tham luận tại Hội thảo Thu hút "đầu tư xanh" cho vùng Đông Nam Bộ, do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 12-10, ở Đồng Nai.

Cao Minh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/co-hoi-lon-tu-dau-tu-xanh--20231012221523259.htm