Cơ hội mở ra mối quan hệ thương mại bền vững với doanh nghiệp châu Âu
Theo EuroCham, Việt Nam có cơ hội để củng cố các thế mạnh cốt lõi, mở rộng những mối quan hệ thương mại bền vững và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững.

Lễ công bố Sách Trắng 2025 với chủ đề "Cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi kép: Hiện thực hóa nền kinh tế xanh và bền vững". Ảnh: Hương Giang
Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU tiếp tục mở rộng
Phát biểu tại lễ ra mắt Sách Trắng 2025 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 11/4, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier đánh giá cao những nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam. Đồng thời, xem đây là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng một bộ máy hành chính hiện đại, hiệu quả và linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những biến động của môi trường toàn cầu.
Khai thác tối đa EVFTA để mở khóa toàn bộ tiềm năng của hiệp định
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã cho thấy rõ ràng thương mại và dòng vốn đầu tư có thể phát triển mạnh mẽ khi chúng ta xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Chúng ta cần khai thác tối đa hiệp định này để mở khóa toàn bộ tiềm năng mà nó mang lại” - Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier khẳng định.
Cũng theo Đại sứ Julien Guerrier, cam kết của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của EU về phát triển bền vững và toàn diện.
“Trong năm nay, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU sẽ tiếp tục được mở rộng trong các lĩnh vực then chốt hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam: chuyển đổi năng lượng bền vững, chuyển đổi số, giao thông thông minh, hệ thống giáo dục tiên tiến và các ngành công nghiệp mới nổi như vật liệu quan trọng và bán dẫn”- ông Julien Guerrier nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert, đây là thời điểm then chốt, đòi hỏi các chiến lược táo bạo và có tầm nhìn dài hạn để ứng phó với những biến động toàn cầu đang diễn ra nhanh chóng, từ đó củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm đầu tư năng động và có tính cạnh tranh cao trên toàn cầu.
Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được như: Vị trí địa chiến lược, trữ lượng đất hiếm lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và một Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi chặng đường phát triển. Khả năng thích ứng, thu hút đầu tư và duy trì đà tăng trưởng sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai dài hạn của Việt Nam. Vì vậy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính là “chìa khóa” để mở rộng không gian tăng trưởng.
“Dù giai đoạn hiện tại đầy thách thức – với những biến động nhanh chóng và bất ổn toàn cầu ngày càng leo thang – nhưng đây cũng là thời cơ vàng để chuyển mình. Việt Nam có cơ hội để củng cố các thế mạnh cốt lõi, mở rộng những mối quan hệ thương mại bền vững và đáng tin cậy, đồng thời tận dụng hiệu quả mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững”- ông Bruno Jaspaert khẳng định.
Những "trận chiến phải thắng" mà Việt Nam cần vượt qua
Sách Trắng 2025 được công bố vào một thời điểm mang tính then chốt. Trước những thay đổi liên tục trong chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ và tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều áp lực. Dù phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thay đổi chiến lược đầu tư, nhu cầu về cải cách mạnh mẽ đang trở nên vô cùng cấp thiết, nhằm củng cố niềm tin và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sách Trắng 2025 cũng vạch ra những “trận chiến phải thắng”, để tạo ra những đột phá trong tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Phiên bản năm nay lần đầu tiên giới thiệu bộ “Ưu tiên chiến lược” – các cải cách trọng tâm do 19 tiểu ban ngành nghề của EuroCham đề xuất, đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập sâu rộng của Việt Nam với EU.
Cụ thể 5 “ưu tiên chiến lược” – những lĩnh vực trọng tâm cần được cải thiện, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm: Chính sách thị thực; thủ tục nhập cảnh và hạ tầng sân bay; giấy phép lao động; hoàn thuế giá trị gia tăng và thủ tục hải quan. Theo EuroCham, việc cải thiện các lĩnh vực này sẽ giúp cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính, củng cố niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, 19 tiểu ban ngành nghề của EuroCham đã đưa ra các khuyến nghị trọng tâm trong những lĩnh vực then chốt, từ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, tài chính xanh cho tới nông nghiệp bền vững và hạ tầng xe điện, với các đề xuất rõ ràng, được xây dựng dựa trên góc nhìn thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp thành viên, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động lẫn các tập đoàn đa quốc gia. Những đóng góp này cùng hướng tới một mục tiêu chung: Kiến tạo một nền kinh tế Việt Nam năng động, hiện đại và sẵn sàng đón đầu các xu thế chuyển đổi toàn cầu.
Chia sẻ thông điệp cho Việt Nam với vấn đề thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Chủ tịch EuroCham khẳng định, điều này sẽ không thể khiến các doanh nghiệp châu Âu rút lui khỏi thị trường Việt Nam. “Một doanh nghiệp không phải là một cái ô tô, có thể rẽ trái, rẽ phải được ngay mà phải mất thời gian. Thời gian phản ứng của doanh nghiệp rất khác so với thời gian phản ứng thay đổi hàng ngày của Tổng thống Trump. Hiện chưa có doanh nghiệp nào nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy”- ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có tính tự cường, khả năng chống chịu rất cao, có những giai đoạn còn tồi tệ hơn, Việt Nam vẫn vượt qua và phát triển được. Vì vậy, tăng trưởng 8% của Việt Nam là rất khả quan và hoàn toàn có thể đạt được.
Động lực thay đổi đang hiện hữu từ cả hai phía
Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng nóng dần – khi các quốc gia láng giềng có thể được hưởng những ưu đãi thuế quan hấp dẫn hơn, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Để duy trì vị thế là điểm đến lý tưởng cho các dòng vốn chất lượng cao, EuroCham cho rằng, Việt Nam cần hành động quyết liệt và kịp thời.
Điều đáng mừng là, động lực thay đổi đang hiện hữu từ cả hai phía. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị rót vốn đầu tư vào các sáng kiến dài hạn, có chất lượng và tính bền vững cao – mở ra cơ hội vàng để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mang tính đột phá. Song song đó, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy cam kết mạnh mẽ trong cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục – những tín hiệu tích cực củng cố niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu hiện vẫn coi Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai”.
Khẳng định cam kết với Việt Nam - Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh: “EU là đối tác ổn định và chúng tôi muốn duy trì sự ổn định đó tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ không để Việt Nam thất vọng, các doanh nghiệp EU sẽ không để Việt Nam thất vọng. Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam cũng như rất nhiều các đối tác khác để có thể đảm bảo rằng hệ thống thương mại đa phương vẫn tiếp tục được thực hiện”./.