Cơ hội mới từ Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Sau phát động 120 ngày đêm hoàn thành dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, dù còn rất nhiều trở ngại nhưng công trình đã hoàn thành trước kỳ hạn đặt ra.
Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương để hoàn thành công trình huyết mạch
Tháng 1-2021, gói thầu đầu tiên của cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công. Bốn tháng sau, hai gói thầu còn lại của dự án cũng lần lượt triển khai. Do ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi về thời tiết, thiếu nguồn vật liệu, công tác vận chuyển gặp khó khăn do địa hình bị chia cắt bởi kênh rạch chằng chịt, vướng giải phóng mặt bằng... nên dự án liên tiếp bị trượt tiến độ. Đến tháng 4-2023, sau hơn hai năm triển khai, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ mới đạt hơn 60% so kế hoạch đề ra. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều chuyến thị sát thực tế, đốc thúc. Tiến độ của dự án dần khởi sắc, nhưng vẫn chưa đáp ứng theo kế hoạch. Đến tháng 5-2023, 23km tuyến chính đã đủ điều kiện để thực hiện việc dỡ tải. Chưa kịp thở phào thì Đồng bằng sông Cửu Long lại vào mùa mưa, ảnh hưởng đến việc thi công.
Với quyết tâm làm bằng được 554km cao tốc, thay đổi hệ thống giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn của Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lui", "khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó", tăng ca, tăng kíp hoàn thành dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023.
Nhận nhiệm vụ từ người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã phát động phong trào 120 ngày đêm nỗ lực, phấn đấu, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, quyết tâm hoàn thành dự án vào ngày 31-12-2023. Ngay sau đó, khí thế thi công trên công trường sôi động hơn bao giờ hết.
Gần 17 giờ, trước ngày khánh thành (24-12-2023), trên công trường đường bộ Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, kỹ sư, công nhân viên của Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) hối hả ăn vội bữa cơm chiều để lấy sức tiếp tục ca làm đêm. Ai cũng vội ăn nhanh qua bữa để tiếp tục tăng ca, tăng kíp, bám máy, bám công trường, nỗ lực đưa dự án về đích trước thềm năm mới theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết: "Tinh thần Bộ đội Cụ Hồ thời chiến đã được duy trì suốt gần 2 tháng qua, kể từ khi dự án bước vào giai đoạn cao điểm nước rút về đích. Tăng 3 ca, 4 kíp, huy động toàn bộ lực lượng công nhân lên tới hàng nghìn người, 500 máy móc, thiết bị, vật tư, 10 giàn thảm bê tông nhựa và 5 trạm trộn bê tông được bố trí trực tiếp ngay trên dự án… Dù có những thời điểm mưa lớn kéo dài, song thời tiết bất lợi cũng không ngăn cản được quyết tâm hoàn thành dự án đúng hẹn. Hướng về phía Vĩnh Long, nút giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã gần như hoàn chỉnh; các hạng mục cống, đường dân sinh đang được thực hiện khẩn trương; phần cầu kéo những dây văng giữa sông Tiền đã sừng sững hiện lên".
Đối với những công nhân, kỹ sư trên công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - những người trực tiếp thi công, mỗi mét đường hình thành đều có dấu ấn của họ. Đó là những cảm xúc khó nói thành lời. Vừa hỗ trợ một nhóm công nhân lắp biển báo tốc độ bên lề cao tốc, ông Lâm Sơn Châu (60 tuổi, ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) tháo vội chiếc nón vải, lau bớt mồ hôi đang nhễ nhại, phấn khởi nói: "Mấy tháng nay anh em thay nhau tăng ca cả đêm lẫn ngày để làm cao tốc, cuối cùng cũng đến ngày khánh thành. Nhìn mặt đường láng nhựa đẹp, ai cũng mừng, gặp ai tôi cũng kể về tuyến cao tốc này".
Mở ra cơ hội mới cho miền Tây
Không chỉ với những người trực tiếp thi công công trình mà với bà con miền Tây, nhất là những người quanh tuyến cao tốc thì niềm vui còn gấp bội. Anh Nguyễn Văn Dăm, ngụ tỉnh Đồng Tháp bộc bạch: "Mấy ngày nay, qua các phương tiện truyền thông người dân biết cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sắp khánh thành, người dân ai cũng nôn nao mong chờ. Trên tuyến Quốc lộ 80, ai đi đường cũng ngoái nhìn lại tuyến cao tốc đã hình thành. Bà con miền Tây sắp hết cảnh kẹt đường mỗi khi lễ, tết, hàng hóa sẽ nhanh chóng đến các chợ đầu mối".
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là sự trông chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ cũng như người dân của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, tạo sự kết nối chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistic trong khu vực. Ngoài ra, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng giúp cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long được gắn kết với nhau, tạo thành một chuỗi phát triển kinh tế đồng đều và liên thông. Điều này cũng giúp cho việc đẩy mạnh du lịch và trao đổi văn hóa giữa các địa phương trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, cao tốc này cũng góp phần thu hút thêm đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long; việc kết nối cả vùng với Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ giúp cho các tỉnh, thành trong vùng có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ và tiện ích của thành phố lớn.
Được khởi công từ đầu năm 2021, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km; trong đó, có hơn 10km đi qua Đồng Tháp, còn lại trên địa bàn Vĩnh Long. Điểm đầu dự án nằm tại phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối Quốc lộ 1A, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng, giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến đường được thiết kế với vận tốc 100km/giờ, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam dài 729km, triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công. Như vậy, chỉ trong 4 năm, ngành giao thông phải hoàn thành hơn 1.000km cao tốc, tương đương số km xây dựng trong 10 năm trước đây. Với việc hoàn thành con đường “xương sống” của đất nước; trong đó, nhiều dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là “sức bật” cho nền kinh tế của cả vùng.
Bài và ảnh: THÚY AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/co-hoi-moi-tu-cao-toc-my-thuan-can-tho-757758