Cơ hội nào cho doanh nhân nữ?

Sáng 19/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cho biết, Liên Hợp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng là mục tiêu quan trọng nhất. Theo ông Vũ Tiến Lộc nền kinh tế đang chuyển sang giai đoạn bao trùm hơn và đây là cơ hội lớn cho phụ nữ.

“Phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế mới của các quốc gia. Nó bao hàm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế - xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhận định.

Phát huy vai trò của doanh nhân nữ trong phát triển kinh tế. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Phát huy vai trò của doanh nhân nữ trong phát triển kinh tế. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tới 1/4 số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa bình đẳng với khu vực doanh nghiệp còn lại.

Báo cáo này có thể xem là một trong những báo cáo đầu tiên có nghiên cứu và đưa ra đánh giá toàn diện về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Báo cáo dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát từ hơn 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9 năm nay, toàn quốc có hơn 285 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước và là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tìm kiếm khách hàng (63% số doanh nghiệp được điều tra), sau đó là khó khăn về biến động thị trường.

Theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Như vậy, chỉ tiêu này đến nay đã không đạt được. Do đó, Báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” kỳ vọng đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng muốn thúc đẩy bình đẳng giới thành công, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, quan trọng nhất là lồng ghép bình đẳng giới trong chỉ số điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) bởi tất cả đều xuất phát từ địa phương và nếu mỗi địa phương có môi trường chính sách tốt để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thì mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, về tỷ lệ doanh nghiệp nữ sẽ đạt được.

“Trong thời gian tới chúng tôi cũng kỳ vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thực sự thiết thực hơn thì doanh nhân nữ sẽ vượt qua những rào cản để cống hiến đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước cho xã hội" bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nói./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-hoi-nao-cho-doanh-nhan-nu-/142940.html