Cơ hội nào cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tiếp theo?

Hàn Quốc đang nỗ lực làm sống lại việc nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, động thái vốn làm bùng nổ những câu hỏi về việc liệu Bình Nhưỡng có 'hạ nhiệt' để tiến đến đối thoại và hòa giải chính trị với Washington hay không.

Hàn Quốc đang nỗ lực làm sống lại việc nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, động thái vốn làm bùng nổ những câu hỏi về việc liệu Bình Nhưỡng có “hạ nhiệt” để tiến đến đối thoại và hòa giải chính trị với Washington hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: NYT

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: NYT

Trong tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng có thể đứng trung gian cho một hội nghị thượng đỉnh khác giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước thềm cuộc bầu cử ở Mỹ, đồng thời cảnh báo về việc “đẩy lùi tiến trình đang rất khó khăn trong quan hệ liên Triều”. Tuyên bố của ông Moon Jae-in được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng bùng phát trở lại trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc chung giữa hai nước vào tháng trước và những cuộc khẩu chiến giữa hai nước quanh vấn đề rải truyền đơn qua biên giới.

Thay đổi hay duy trì hiện trạng?

Một hội nghị thượng đỉnh mới giữa ông Trump và Kim có thể tạo ra động lực được mong chờ bấy lâu nay để đưa các cuộc đàm phán hạt nhân vốn bị đình trệ trở lại bàn đàm phán và giúp Tổng thống Moon duy trì tình trạng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có thể tập trung vào việc đàm phán với ông Kim hay không trong bối cảnh nước Mỹ đang phải gánh chịu một loạt các thách thức trong nước như cuộc chiến chống Covid-19 và cuộc chiến tái tranh cử - lý do mà các nhà quan sát cho rằng, ông Trump có thể sẽ “đơn giản là tìm cách duy trì hiện trạng”.

“Bây giờ, ông Trump có thể cho rằng, ông đã có được những gì mình mong muốn: Triều Tiên tự hạn chế các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân có thể đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ, do đó, ông có thể sẽ không vội tiến hành một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo”, Yonhap dẫn lời ông Nam Chang-hee, Giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế tại Đại học Inha nhận định. “Về phía bình Nhưỡng, họ có thể dường như không suy nghĩ về việc tổ chức thêm hội nghị thượng đỉnh bởi vì đang đấu tranh với những khó khăn kinh tế tồi tệ. Nói cách khác, những điều kiện hiện tại chưa đủ chín muồi để tổ chức thượng đỉnh”, ông Nam Chang-hee nói thêm.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng càng ngày càng cảnh giác với sự không chắc chắn chính trị ở Mỹ và cũng có thể thận trọng trong việc nối lại cuộc đối thoại cấp cao, cho rằng, một hội nghị thượng đỉnh không thỏa thuận khác như tại Hà Nội vào tháng 2-2019 có thể giáng một đòn mạnh mẽ, đánh gục hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Không hề dễ dàng

Tại một hội thảo mới đây, ông Moon Chung-in, Cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Moon nhấn mạnh, việc sắp xếp tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều “có thể không dễ dàng”, bởi ông Trump cần có một “quân bài rõ ràng” để không tạo ra phản ứng chính trị trong nước.

Trước đó, ông Stephen Biegun - phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên - cũng cho biết khả năng thêm một hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim là không thể xảy ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mặc dù Washington tái khẳng định sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông Biegun được cho là có kế hoạch đến thăm Hàn Quốc vào tuần tới trong một nhiệm vụ rõ ràng là “làm mới nước Mỹ”, kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế những hành động khiêu khích và trở lại bàn đàm phán. Người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon gặp ông Biegun vào cuối tháng trước tại Washington để phối hợp các nỗ lực nhằm làm trẻ hóa chiến dịch lan truyền vì hòa bình với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng gây căng thẳng với các mối đe dọa khiêu khích, bao gồm cả các kế hoạch hành động quân sự, sau đó đột ngột đình chỉ.

Bất chấp sự hoài nghi về triển vọng của một hội nghị thượng đỉnh mới Trump- Kim, một số nhà quan sát cho rằng, ông Trump có thể bị cám dỗ sử dụng một sự kiện ngoại giao lớn như vậy để giảm bớt sự chỉ trích công khai về các báo cáo tử vong và mắc bệnh Covid-19, cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc và suy thoái kinh tế. Nhưng vẫn không chắc chắn liệu Triều Tiên có chấp nhận một cuộc đóng thế chính trị một lần như vậy hay không vì Bình Nhưỡng đã nhiều lần cảnh báo chống lại một nỗ lực ngoại giao của Mỹ được thiết kế để “phù hợp với chương trình nghị sự chính trị trong nước”.

KHẢ ANH

Ông Kim Jong-un tái xuất, yêu cầu cảnh giác với dịch Covid-19

KCNA đưa tin: tại cuộc họp quan trọng ngày 3-7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết luận, quốc gia này đã hoàn toàn ngăn chặn sự xâm nhập của Covid-19.

Ông Kim khen ngợi “thành công chói lọi đạt được bởi lãnh đạo Ủy ban Trung ương đảng và tinh thần tự nguyện cao độ của tất cả mọi người cùng tuân thủ chỉ đạo của Ủy ban Trung ương đảng”. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng không thể tưởng tượng và cứu vãn, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi lĩnh vực và đơn vị có thể tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp cho tới khi mối đe dọa đại dịch được loại bỏ hoàn toàn. Đây là lần thứ hai trong 3 tháng qua Triều Tiên triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị nhằm thảo luận về tình hình Covid-19.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_227420_co-hoi-nao-cho-hoi-nghi-thuong-dinh-trump-kim-tiep-theo-.aspx