Cơ hội nào cho thanh long Việt đẩy mạnh 'xuất ngoại'
Thanh long Việt cần tận dụng ưu đãi thuế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia; liên kết đồng bộ các khâu; ổn định giá cả và lượng của sản phẩm; chú trọng đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch…, theo chuyên gia.
Thanh long là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở Việt Nam, nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam trong những năm qua.
Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan và Indonesia và các thị trường khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, EU… thậm chí tới cả Chile.
Loại trái cây này của Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ.
Kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2019 đạt 1,25 tỷ USD, năm 2020 đạt 1,12 tỷ USD. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên với một số nguồn cung khác từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết tại hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 ngày 31/8.
Ngoài thanh long quả tươi, hiện Việt Nam cũng có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mỳ thanh long… Một số sản phẩm thanh long chế biến đã được xuất khẩu.
“Sự đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng từ thanh long của các địa phương và doanh nghiệp được xem là hướng đi đúng để đa dạng kênh tiêu thụ, giảm sức ép mùa vụ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm.” ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Với sản lượng 330.000 tấn thanh long mỗi năm, Long An đang dần chứng tỏ tiềm năng xuất khẩu thanh long của địa phương khi thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững, theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp theo đơn hàng quanh năm.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh, ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, tỉnh còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ.
Bên cạnh đó, Long An cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.
Thanh long Châu Thành của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia gồm Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc, ông Thanh cho biết.
Hiệp hội thanh long Long An có trên 100 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang, có năng lực kho, sơ chế có thể xuất khẩu với số lượng lớn.
Đặc biệt, Long An có Nhà máy Xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng (VHT) với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Được mệnh danh là ‘thủ phủ’ của thanh long Việt, tỉnh Bình Thuận hiện có diện tích trồng thanh long đạt 33.750ha, trong đó diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.936ha, GlobalGAP đạt 517ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm.
Toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long và 6 cơ sở chế biến thanh long (rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo...).
Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các tổ, nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long còn nhỏ lẻ, hầu hết chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa đủ tiềm lực và năng lực để thu mua và xuất khẩu thanh long.
Việc mua bán thanh long chủ yếu thông qua thương lái, người sản xuất không quyết định được giá cả. Công nghiệp chế biến thanh long còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, chưa hỗ trợ hữu hiệu cho việc tiêu thụ thanh long quả tươi, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thanh long như nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy, kẹo thanh long... quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao. Bao bì, mẫu mã còn đơn giản, thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên chưa hoạt động hết công suất thường xuyên.
Theo kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt 50 – 60 triệu USD/năm và nâng dần tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22 – 25% vào năm 2025.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận hướng tới đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài để phát triển và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho thanh long Bình Thuận. Cụ thể, tổ chức các đoàn khảo sát, giao thương để tìm hiểu, mở thêm thị trường mới, tiềm năng cho việc xuất khẩu thanh long nhằm hạn chế rủi ro và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tập trung khai thác lợi thế sẵn có
Trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó.
Thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, ông Phú cho biết. Nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.
Để hỗ trợ thanh long Việt ‘bơi ra biển lớn’, ông Vũ Bá Phú cho biết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt trong hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến phát triển thị trường, phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, người tiêu dùng Nhật Bản coi thanh long là loại quả giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, đem lại làn da đẹp, mịn màng. Họ thường ăn thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc, hoặc ăn trực tiếp.
Ông Minh cho rằng, các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long… nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng ưu đãi thuế từ các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như VJEPA, AJCEP, CPTPP…; thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và thị trường.
Các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sự ổn định giá cả và lượng của sản phẩm do người tiêu dùng Nhật Bản nhạy cảm với sự thay đổi liên tục giá bán sản phẩm.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ đó đáp ứng thị hiếu riêng biệt của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.