Cơ hội nào để kinh tế năm 2021 bứt phá?
Dịch COVID-19 đầu năm 2021 đã khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021, động lực tăng trưởng của nền kinh tế dựa vào ngành chế biến chế tạo. Các chuyên gia nói cần đẩy nhanh đầu tư công, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá, kinh tế phát triển.
Tăng trưởng quý I đạt 4,48%
Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 55,9%; khu vực dịch vụ đóng góp 35,7%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá. Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá. Đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 10 năm qua. Chỉ số công nghiệp quý I/2021 thấp hơn nhiều so với mức tăng các năm trước đó.
Bên cạnh điểm sáng của nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng quý I ở mức 0,29% - mức thấp nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, áp lực lạm phát lên nền kinh tế từ nay đến cuối năm 2021 rất lớn.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, điểm sáng lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng với kết quả thu hút dòng vốn FDI từ năm 2020 đã giúp ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh. Nhiều ngành có tăng trưởng cao như thép cán, điện thoại…
TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công nhìn nhận: Tăng trưởng kinh tế 4,48% trong quý I năm 2021 là khả quan khi mà dịch bệnh vẫn còn bùng phát ở một số địa phương. Để tạo động lực tăng trưởng GDP trong năm 2021, ông cho rằng, chính sách ưu tiên hàng đầu là giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.
“Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp”, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
“ Đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, việc cắt giảm ngân sách thường xuyên tối thiểu 10% nên được thực hiện cương quyết, nhằm dành nguồn lực khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra”, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Cơ hội vàng để bứt phá
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc thể hiện qua con số về xuất nhập khẩu. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, một trong những động lực tăng trưởng nền kinh tế, cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm bảo tồn được số lượng doanh nghiệp, hạn chế tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa, phá sản; Trợ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình và phương hướng kinh doanh để phát triển.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ; tiệm cận dần giai đoạn của đổi mới sáng tạo... Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, năng suất, tăng trưởng xanh”, ông Bùi Quang Tuấn nói.
Còn theo TS Phạm Thế Anh, khi kinh tế hồi phục, sức ép lạm phát sẽ tăng. Ông khuyến nghị: “Chúng ta nên giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động. Hạ lãi suất tiền gửi xét ở một khía cạnh nào đó là đang làm giảm thu nhập của những người có thu nhập thấp trong xã hội”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-hoi-nao-de-kinh-te-nam-2021-but-pha-post1324110.tpo