Cơ hội nào để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0?
Chiều 24/4, Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo 'Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước.

Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức vào chiều ngày 24/4. Ảnh: Cấn Dũng
Cơ hội lớn để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kỷ nguyên 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng gây ra nhiều thách thức đối với các lĩnh vực, trong đó có logistics, đòi hỏi các giải pháp để thúc đẩy ngành Logistics phát triển bền vững. Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo trình Chính phủ về Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu.
Hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề cốt lõi để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bao gồm: chuyển đổi số, logistics xanh, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, phát triển kho thông minh, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain vào tối ưu chuỗi cung ứng. Đây là sự kiện chuyên ngành quan trọng, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách và kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp – tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh: “Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chúng ta cần đồng bộ hóa chiến lược – từ đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực đến ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện hành lang pháp lý”.

Ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng
Ông Minh cũng cho biết, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12–15% GDP, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15–20% mỗi năm. Đồng thời, logistics sẽ được tích hợp trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, với 30% phương tiện chuyển sang năng lượng sạch và 80% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và chuỗi cung ứng toàn cầu không ngừng biến động, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước cả thách thức và cơ hội lớn. Để logistics không chỉ là mắt xích hỗ trợ, mà trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, rất cần những định hướng chiến lược rõ ràng và kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trình bày tham luận về định hướng phát triển ngành logistics trong giai đoạn mới, TS. Bùi Bá Nghiêm – Chuyên viên cao cấp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: “Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hai trụ cột chiến lược là logistics số và logistics xanh sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường”.
Ông Nghiêm nhấn mạnh vai trò trọng tâm của logistics trong nền kinh tế số: “Chúng ta không thể nói đến thương mại điện tử, chuyển đổi số hay tăng trưởng xanh nếu logistics không theo kịp. Doanh nghiệp logistics cần chủ động chuyển mình, thay vì chỉ đóng vai trò hậu cần”.

Toàn cảnh Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”. Ảnh: Cấn Dũng
Logistics xanh không còn là lựa chọn mà là điều kiện
Chia sẻ từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang – Tổng Giám đốc LEX Việt Nam cho biết: “Trong kỷ nguyên 4.0, logistics đã trở thành một ngành dịch vụ công nghệ cao. Tại LEX Việt Nam, chúng tôi ứng dụng toàn diện các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cảm biến IoT và hệ thống quản lý chuỗi cung ứng để tự động hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm người dùng”.
Ông Quang cũng phân tích rõ những thay đổi mà chuyển đổi số mang lại: “Hệ thống AI của chúng tôi được tích hợp trong các khâu từ dự báo đơn hàng, tối ưu hóa tuyến giao hàng, điều phối kho vận đến phân tích hành vi tiêu dùng. Chuyển đổi số không chỉ giúp chúng tôi giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý mà còn mở rộng khả năng phục vụ ra các vùng sâu, vùng xa”.
Đại diện doanh nghiệp vùng trung du, bà Trương Thị Mùi – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang – nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp vận tải đa phương thức với hệ thống kho thông minh: “Vùng trung du miền Bắc có lợi thế kết nối đường bộ, đường thủy và đường sắt, nhưng hiện tại các phương thức này vẫn phát triển rời rạc. Việc đồng bộ hóa, xây dựng chuỗi cung ứng đa tầng sẽ giúp giảm 10–15% chi phí logistics cho các ngành hàng chủ lực như thương mại điện tử, điện tử, dệt may”.
Bà Mùi cũng kiến nghị cần thúc đẩy chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hệ thống WMS, IoT, AI trong quản lý kho bãi, đồng thời tạo điều kiện cho các kho thông minh phát triển theo chuẩn quốc tế.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước. Ảnh: Cấn Dũng
Chia sẻ về chiến lược xanh hóa logistics, ông Cáp Trọng Cường – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Macstar – khẳng định: “Phát triển logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang đặt ra tiêu chuẩn rất cao về phát thải và môi trường”.
Macstar hiện là đơn vị tiên phong triển khai vận tải thủy nội địa bằng sà lan, kết nối Hải Phòng với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ông Cường cho biết: “Tuyến vận tải này giúp giảm 70% phát thải so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, chúng tôi đang đầu tư kho thông minh sử dụng năng lượng tái tạo và thử nghiệm trồng rừng để tạo tín chỉ carbon”.
Ông cũng kiến nghị cần có bộ tiêu chí logistics xanh quốc gia, đồng thời có chính sách tài chính ưu đãi như tín dụng xanh, giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.
Theo Bộ Công Thương, để phát triển logistics bền vững trong kỷ nguyên 4.0, cần có sự đồng hành của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và tạo điều kiện để các sáng kiến, mô hình tiên tiến được nhân rộng.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu điều phối phiên thảo luận với chủ đề: Chuyển đổi số trong logistics - Tác động của công nghệ như AI, IoT, blockchain trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng với sự tham gia của các diễn giả:
- Bà Bùi Thị Hải Yến – Trưởng ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
- Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh, SLP Việt Nam
- Bà Nguyễn Trần Hoàng Yến – Giám đốc Chuỗi Cung ứng Bộ phận Cung ứng, Công ty TNHH Nestle Việt Nam
- Ông Vũ Khắc Anh – Giám đốc Công ty Pervasel
- TS. Nguyễn Thị Xuân Hòa, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA)