Cơ hội nhiều hơn thách thức
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, ngành thủ công mỹ nghệ phải đối diện với nhiều thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ và các cam kết về lao động và môi trường… Đặc biệt, khi Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Cơ hội cho thủ công mỹ nghệ tạo đột phá
Đề cập đến tiềm năng phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề; trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên địa bàn cả nước.
Hàng thủ công mỹ nghệ hiện có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như: Hàng mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, thủ công mỹ nghệ từ lụa, các loại hoa giả...
Riêng đối với khu vực Hà Nội, nơi mảnh đất trăm nghề truyền thống, hiện có hơn 1.350 làng (chiếm 45% tổng số làng nghề cả nước), với khoảng 176.000 hộ làm nghề. Trong đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất đa dạng bao gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ trang trí, đồ gỗ nội thất, dệt may, gốm sứ, mây tre đan…với các chất liệu đa dạng, kết hợp được với kỹ thuật truyền thống và sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật.
Ngoài ra, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng đã mang được những nét đặc sắc riêng của dân tộc, song cũng mang được những yếu tố hiện đại qua việc thiết kế những mẫu mới trên nền sản phẩm là hàng hóa. Qua đó, không chỉ được giao dịch với các thị trường trong và ngoài nước, mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống cho hàng vạn lao động.
Tuy nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang bị sụt giảm mạnh đơn hàng ở các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản... nhưng xuất khẩu lại tăng ở các nước như: Thái Lan, Philippines, Indonesia. Đây là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Để tạo động lực cho thủ công mỹ nghệ phát triển, thời gian qua thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình, chính sách để thủ công mỹ nghệ phát huy được sức mạnh, năng lực cạnh tranh với những chương trình như: Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới; hỗ trợ 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm; đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nước ngoài…
Đề cập đến cơ hội của doanh nghiệp Việt từ CPTPP, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Hiệp định CPTPP chính là chất kích thích đối với nền kinh tế Việt Nam. Hiệp định sẽ tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch và là cơ sở, nền tảng để cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa…qua đó, đẩy mạnh tăng cường các mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia.
Nhận định về thách thức từ CPTPP đối với ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Đại học Ngoại thương) cũng cho rằng, CPTPP có hiệu lực thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng sẽ về 0% hoặc có lộ trình về 0%; trong đó ngành thủ công mỹ nghệ đa phần sẽ được hưởng mức thuế xuất 0%.
Như vậy, CPTPP đem đến cho các ngành nghề của Việt Nam nói chung, thủ công mỹ nghệ nói riêng hết sức thuận lợi về nhiều mặt và mở ra nhiều cơ hội giúp cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam mở rộng thị trường; đầu tư vốn của các nước vào Việt Nam được mở rộng…giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ở khu vực và trong khối. Qua đó, Việt Nam hạn chế được sự phụ thuộc vào một thị trường hay một khu vực như trước đây.
Cải cách thể chế để vượt qua thách thức
Bên cạnh những cơ hội mà CPTPP mang lại thì khó khăn đối với ngành thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề nói chung, thủ công mỹ nghệ nói riêng đó chính là vấn đề cải cách thể chế. Đối với Chính phủ, phải cải cách luật chơi, thông tin, giáo dục, đào tạo… còn doanh nghiệp phải tăng cường sự hiểu biết để tận dụng lợi thế mà CPTPP mang lại.
Đề cập đến vấn đề trên, PGS.TS Đặng Mai Anh, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp cho rằng, tham gia CPTPP với những thuận lợi về cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bởi những điều kiện, tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý Nhà nước cũng như pháp luật từ trong nước tới các thị trường quốc tế. Từ đó, tạo cơ hội thúc đẩy khả năng cạnh tranh, huy động và sử dụng tốt nhất nguồn lực trong nước và tận dụng các nguồn lực bên ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội về thể chế, quy định, thì những thách thức về vấn đề này để thực thi quy định của CPTPP thì hàng loạt chính sách, quy định của Việt Nam cần phải rà soát và tiến hành sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với cam kết của Hiệp định.
“Một trong những thách thức của cơ chế, nhưng là nếp nghĩ tâm thức, đó là vấn đề về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả đang là những “vấn nạn” đối với các làng nghề và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gây hậu quả xấu đối với xã hội... Do đó, khi tham gia CPTPP mỗi nghệ nhân, mỗi doanh nghiệp sản xuất phải tự bảo vệ chính mình và phát triển thật bền vững”, bà Đặng Mai Anh nhấn mạnh.
Nhận định về thách thức từ CPTPP đối với ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Đại học Ngoại thương) cũng cho rằng, CPTPP có hiệu lực thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng sẽ về 0% hoặc có lộ trình về 0%; trong đó ngành thủ công mỹ nghệ đa phần sẽ được hưởng mức thuế xuất 0%.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội do thuế xuất khẩu giảm thì ngành hàng này sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ cũng như các cam kết về lao động và môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay các làng nghề nói chung và làng nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng sử dụng lao động trẻ em, lao động nông nhàn vẫn phổ biến. Ngoài ra, môi trường cũng là vấn đề nóng đối với các làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Ông Đào Ngọc Tiến cho rằng, việc chuyển đổi sẽ khiến doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ tăng chi phí trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động, an toàn lao động… Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, không đặt cơ hội trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà kỳ vọng vào sự cải cách thể chế, mô hình tăng trưởng để đạt được hiệu quả thiết thực.
Tác động tổng thể và dài hạn của CPTPP đến thủ công mỹ nghệ là tích cực, nhưng có những tác động chung trong dài hạn và những tác động cụ thể trong ngắn hạn do phụ thuộc vào từng sản phẩm. Vì vậy, cần có nghiên cứu cụ thể với từng sản phẩm và thị trường tiềm năng của chính những doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-hoi-nhieu-hon-thach-thuc-98481.html