Cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0

Chiều 23/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 'Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0' tại Hà Nội.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu năm 2024 lên 57-58 tỷ USD.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu năm 2024 lên 57-58 tỷ USD.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

“Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Để đạt được mục tiêu, ngành nông nghiệp cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao", ông Hoàng Quang Phòng cho hay.

Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2023 và tầm nhìn đến 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Trong các chính sách ưu đãi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao nhấn mạnh, lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp. Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, chỉ khoảng 1-2 % doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ có khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp).

Do đó, Hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực; đồng thời, áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/co-hoi-phat-trien-ben-vung-tu-ung-dung-cong-nghe-50-20240723182658523.htm