Cơ hội phát triển từ không gian kinh tế mới
Sáp nhập các địa phương là cuộc cách mạng lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng từng vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra thách thức về khả năng thực thi chính sách, yêu cầu bộ máy quản lý phải đổi mới, nâng cao năng lực để đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển trên quy mô lớn hơn, đa dạng hơn.
Tăng quy mô kinh tế, tối ưu nguồn lực và thu hút đầu tư
Năm 2008, khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Thủ đô Hà Nội, ban đầu cũng có người hoài nghi hiệu quả; tuy nhiên, đến hôm nay, chúng ta đã thấy diện mạo và vị thế của Thủ đô có nhiều thay đổi tích cực. Sau sáp nhập, Hà Nội luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu hút FDI… đều chuyển biến tích cực. Hạ tầng giao thông, đô thị và nông thôn được hiện đại hóa mạnh mẽ tạo ra một Thủ đô lớn mạnh về quy mô, đồng bộ về phát triển, không ngừng nâng cao đời sống người dân, giữ vững vai trò trung tâm kinh tế của cả nước. Đây là một ví dụ điển hình về hiệu quả kinh tế và xã hội khi sáp nhập địa giới hành chính.
Sau sáp nhập, các tỉnh thành mới đều có quy mô diện tích và dân số lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp liên tỉnh và các dự án hạ tầng lớn. Quy mô kinh tế và nguồn lực ngân sách dồi dào hơn cho phép các địa phương chủ động hơn trong thực hiện các công trình, dự án, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ đồng bộ hơn, giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ.

Diện mạo và vị thế của Hà Nội đổi thay tích cực sau nhập Hà Tây Ảnh: Vietnamplus.vn
Phát huy tối đa tiềm năng vùng, liên kết kinh tế và phát triển đồng đều
Sáp nhập địa phương cũng làm tăng liên kết vùng, giúp liên kết các khu công nghiệp, vùng sản xuất, cảng biển, sân bay, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Việc hợp nhất các địa phương liền kề sẽ giúp phát huy thế mạnh từng vùng: kết hợp các ngành kinh tế mũi nhọn, tận dụng lợi thế địa hình (biển, đồng bằng, miền núi) để phát triển toàn diện và bền vững. Tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế lớn, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Sau sáp nhập, số địa phương giáp biển tăng lên sẽ thúc đẩy thu hút nguồn vốn phát triển kinh tế biển, góp phần nâng tỷ trọng kinh tế biển trong GDP quốc gia.
Ngành du lịch cũng đứng trước cơ hội chuyển từ mô hình phát triển phân tán theo từng địa phương sang phát triển liên vùng, phối hợp quản lý tài nguyên, kết nối hạ tầng, tổ chức tour tuyến đồng bộ, xây dựng chuỗi giá trị du lịch liên hoàn, hấp dẫn và bền vững hơn, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, khai thác tốt hơn lợi thế về địa hình, văn hóa, sinh thái của từng vùng. Các tỉnh mới, với quy mô, nguồn lực lớn hơn, dễ dàng xây dựng thương hiệu du lịch, phát triển du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (MICE) và các sự kiện quy mô lớn.
Thúc đẩy đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển logistics
Quy mô địa giới hành chính lớn không chỉ cho phép đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, logistics, điện, nước, viễn thông… hiện đại, kết nối liên thông giữa các khu vực, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế biển, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính, y tế, giáo dục và các tiện ích xã hội khác. Khi đơn vị hành chính được sáp nhập, các tuyến giao thông “liên tỉnh” trở thành “nội tỉnh”, giúp đơn giản hóa thủ tục vận chuyển, giảm chi phí giấy tờ, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa, dẫn tới mạng lưới logistics có điều kiện được tối ưu hóa trên quy mô lớn hơn, làm giảm đáng kể chi phí lưu thông hàng hóa cho nền kinh tế, đặc biệt là với các ngành sản xuất, chế biến, thương mại và xuất khẩu.
Như trong trường hợp sáp nhập TP. Hồ Chí Minh với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, “siêu đô thị” này sẽ sở hữu lợi thế tổng hợp về kinh tế đô thị, công nghiệp, logistics, du lịch và kinh tế biển. Quy mô kinh tế dự kiến chiếm tới 1/4 GDP cả nước sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, logistics sẽ được phối hợp hiệu quả hơn, hàng hóa xuất khẩu lưu thông thuận lợi, đồng thời phát huy thế mạnh công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
Hay như khi Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang được sáp nhập, hạ tầng kết nối vùng của TP. Cần Thơ như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường thủy nội địa sẽ phát huy tối đa hiệu quả, tạo sức hút lớn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi đó, các doanh nghiệp địa phương có cơ hội trở thành vệ tinh, cung ứng cho các tập đoàn lớn, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu.
Ba tỉnh vùng lõi đồng bằng sông Hồng là Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình sau sáp nhập sẽ trở thành cực kinh tế quan trọng phía Bắc với cơ cấu bền vững, phát triển đồng bộ các trụ cột: công nghiệp, đô thị, du lịch. Quy hoạch vùng thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp liên tỉnh, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bất động sản, dịch vụ…

Diện mạo và vị thế của Hà Nội đổi thay tích cực sau sáp nhập Hà Tây. Ảnh: Vietnamplus.vn
Những thách thức về khả năng thực thi chính sách
Sáp nhập sẽ giúp giảm bớt các cơ quan trùng lặp, tiết kiệm ngân sách chi cho bộ máy hành chính, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Một khi bộ máy quản lý được thống nhất, thời gian xử lý thủ tục sẽ được rút ngắn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tính minh bạch và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài những thách thức của các địa phương sau sáp nhập là xử lý hài hòa về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cân bằng lợi ích giữa các vùng, giải quyết hiệu quả những khác biệt về trình độ phát triển và bảo đảm quản lý hiệu quả trên địa bàn rộng lớn hơn, thì có vẻ vấn đề về tính hiệu lực, hiệu quả của cuộc cách mạng này lại nằm ở khả năng thực thi chính sách. Sáp nhập tạo ra thách thức về năng lực của bộ máy công quyền đối với việc hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trên quy mô diện tích, dân số lớn hơn, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hơn.
Với yêu cầu chất lượng và khối lượng dịch vụ công đối với người dân và doanh nghiệp có thể tăng gấp hai, ba lần, bộ máy công quyền phải đồng thuận, đoàn kết, vận hành hết công suất, toàn tâm, toàn ý phục vụ người dân và cộng đồng mới có thể đem lại những kết quả tích cực trong giai đoạn chuyển đổi chiến lược, trăm năm có một này; đó cũng chính là kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất.