Cơ hội quan trọng để khai thác tiềm năng hợp tác cho các nước vùng Vịnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 tới ba đối tác quan trọng tại vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thay vì các đồng minh truyền thống. Chuyến thăm được kỳ vọng mang lại những thỏa thuận kinh tế quan trọng, góp phần tăng cường ảnh hưởng của Washington tại Trung Đông, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nước vùng Vịnh.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud trao đổi cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 13/5/2025. (Ảnh: The White House)
Giới phân tích nhận định, các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ đang giữ vị trí ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại hiện nay của Washington. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với vùng Vịnh. Năm 2017, Saudi Arabia trở thành điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu Nhà trắng. Hoàng Thái tử kiêm Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed Bin Salman trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngay sau khi ông trở lại Nhà trắng tháng 1/2025.
Chuyến thăm vùng Vịnh lần này của Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực thắt chặt hợp tác kinh tế với khu vực giàu tiềm năng này, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ đối với chính sách của Washington trong xử lý các “điểm nóng” tại Trung Đông. Theo Nhà Trắng, chuyến thăm sẽ mở ra một “thời đại vàng” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Đông.
Đối với Washington, trước hết, đó là “thời đại vàng” về kinh tế. Giới phân tích nhận định, Mỹ hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu này, bởi ba điểm đến trong chuyến công du đều là những nước đã cam kết rót hàng tỷ USD đầu tư vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng của Mỹ. Chỉ vài tháng trước khi chuyến thăm diễn ra, Saudi Arabia đã cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Xứ sở Cờ hoa trong bốn năm tới. Trong khi đó, UAE tuyên bố đầu tư 1.400 tỷ USD vào Mỹ trong 10 năm tới.
Chuyến công du được kỳ vọng giúp Washington thu về những lợi ích về mặt kinh tế, đồng thời tăng cường tiếng nói, vai trò của Mỹ trong điều phối, xử lý hàng loạt vấn đề cấp bách của khu vực. Trên thực tế, các nước vùng Vịnh đang đóng vai trò trung gian hòa giải tích cực cho những cuộc xung đột, căng thẳng tại Trung Đông và trên thế giới, từ cuộc chiến tại Dải Gaza, đến vấn đề Syria, chương trình hạt nhân Iran… Thời gian qua, Saudi Arabia là nơi diễn ra các cuộc đàm phán do Mỹ thúc đẩy nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, Qatar được coi là một đối tác điều phối chính các cuộc đàm phán giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas về lệnh ngừng bắn và phóng thích con tin ở Dải Gaza.
Đối với các quốc gia vùng Vịnh, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump mở ra nhiều cơ hội hợp tác quan trọng, thậm chí là nhận được những “đặc quyền” trong mối quan hệ với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Bên cạnh sự bảo đảm về an ninh, đó còn là những lợi ích thương mại, đầu tư. Tại Saudi Arabia, sự kiện Diễn đàn Đầu tư Saudi Arabia-Mỹ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, khi quy tụ đông đảo giới chức cấp cao và hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu hai nước. Truyền thông Saudi Arabia cho biết, diễn đàn là nơi nhiều thỏa thuận được ký kết, tạo nền tảng vững chắc đẩy mạnh hợp tác song phương trong các ngành công nghiệp và lĩnh vực hợp tác mới.
Đối với UAE, tham vọng của Abu Dhabi là trở thành cường quốc trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới vào năm 2031, điều được cho là khó có thể đạt được nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ từ Mỹ đang gặp khó khăn, khi chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với xuất khẩu các loại chíp AI tiên tiến. Các nước vùng Vịnh kỳ vọng, nhân chuyến thăm lần này, Tổng thống Donald Trump sẽ nới lỏng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip AI cho một số quốc gia trong khu vực. Đây được xem là bước tiến lớn, mở đường để UAE và các nước tiếp cận công nghệ và hiện thực hóa tham vọng chuyển đổi nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Quan hệ giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh đang đứng trước cơ hội quan trọng để khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, chuyến công du của Tổng thống Donald Trump không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của Washington tại khu vực, mà còn mang lại mối quan hệ cùng thắng cho cả Mỹ và ba quốc gia vùng Vịnh.